Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/9/2022
![]() |
Hiện Nga nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 48 nghìn tỉ m3 - tương đương 1/4 tổng trữ lượng toàn cầu. Ảnh: Novatek |
Hé lộ thời điểm EU công bố chi tiết kế hoạch áp giá trần năng lượng
Quan chức cấp cao phụ trách năng lượng của châu Âu, bà Mechthild Wörsdörfer ngày 1/9 cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ nêu ý tưởng của Ủy ban này về việc áp giá trần đối với năng lượng trong bài phát biểu vào ngày 14/9.
Trước đó, giới chức châu Âu ngày 29/8 cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị thực hiện hành động khẩn cấp để cải cách thị trường điện và kiểm soát giá năng lượng vốn đã tăng vọt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ họp khẩn cấp tại Brussels vào ngày 9/9.
Ủy ban châu Âu vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết về cải cách thị trường năng lượng, nhưng một số quốc gia thành viên đang thúc đẩy áp đặt mức trần tạm thời đối với giá bán buôn khí đốt. EU cũng đang xem xét các biện pháp tách giá điện với giá khí đốt và tính đến các nguồn năng lượng khác.
Gazprom tuyên bố Nga có đủ trữ lượng khí đốt cho ít nhất 100 năm
Tại Hội nghị Doanh nghiệp Quốc tế hôm 31/8, ông Alexey Miller, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom, tuyên bố Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ đủ cho hơn một thế kỷ.
Ông Alexey Miller nói: “Người tiêu dùng, công dân Nga, sẽ được tiếp cận với nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy. Điều đặc biệt quan trọng cần lưu ý là họ có thể lạc quan về tương lai khí đốt của đất nước. Bởi vì chúng tôi được cung cấp nguồn dự trữ cho 100 năm tới”. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh một số mỏ khí đốt của Gazprom có khả năng cung cấp khí đốt cho tới năm 2120.
Ông Alexey Miller cũng đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng của nguồn tài nguyên phong phú ở phía bắc Bán đảo Yamal. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng Gazprom đang chuẩn bị khai thác mỏ Kharasavey và bắt đầu phát triển các mỏ sâu ở khu vực Bovanenkovo.
Tây Ban Nha cắt giảm thuế đánh vào khí đốt
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 1/9 cho biết nước này sẽ tạm thời cắt giảm thuế doanh thu đối với khí đốt để giúp người tiêu dùng đối mặt với các hóa đơn tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá năng lượng châu Âu tăng mạnh.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với khí đốt từ 21% xuống còn 5% từ tháng 10 cho đến cuối tháng 12 năm nay. Ông Pedro Sanchez nói thêm, Chính phủ Tây Ban Nha có thể gia hạn biện pháp này vào năm tới "chừng nào tình hình rất khó khăn mà chúng tôi đang đối mặt còn kéo dài".
Giá khí đốt và điện ở châu Âu đã tăng vọt trong năm nay do Nga hạn chế nguồn cung trong cái được cho là hành động trả đũa các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu do xung đột Nga - Ukraine.
Thủ tướng Pháp cảnh báo nguy cơ phải cắt điện trong mùa đông
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne ngày 31/8 cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đời sống người dân Pháp, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt khiến giá nhiên liệu và giá điện gia tăng ảnh hưởng đến sức mua. Bà Borne cũng cảnh báo người dân có thể sẽ phải chịu cảnh cắt điện luân phiên trong khoảng 2 tiếng vào mùa đông tới.
Thủ tướng Pháp cho biết nhiều biện pháp hỗ trợ sức mua bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/9), trong đó nổi bật là mức hỗ trợ 30 xen cho mỗi lít nhiên liệu, hỗ trợ học phí lên đến 200 euro cho khoảng 11 triệu hộ gia đình thu nhập thấp hay tăng thêm 4% tiền hưu trí.
Bà Elisabeth Borne nhấn mạnh nguy cơ thiếu hụt năng lượng tại Pháp trước khả năng Nga dừng cung cấp khí đốt cũng như sản lượng điện sụt giảm do sự biến đổi khí hậu. Hiện hơn một nửa trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân tại Pháp đang phải dừng hoạt động do thiếu nước làm mát và đến thời gian bảo trì. Theo số liệu thống kê, 67% sản lượng điện của Pháp đến từ các nhà máy điện hạt nhân và 7% đến từ khí đốt.
Cuba tìm thêm nguồn cung điện từ các tàu phát điện ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ
Cuba, nước đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn tới mất điện kéo dài, đang đàm phán với công ty Karpowership của Thổ Nhĩ Kỳ để tăng gấp đôi lượng điện mà công ty này hiện đang sản xuất cho Cuba từ các máy phát điện trên tàu biển ngoài khơi. Cuba đang cần hơn 3.000 megawatt điện để đáp ứng nhu cầu tối thiểu và hiện đang sản xuất được khoảng 2.000-2.500 megawatt.
Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán hiện đang tập trung vào việc làm cách nào để đảm bảo các khoản thanh toán của Cuba. Lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đã khiến các giao dịch tài chính của phương Tây gặp rất nhiều khó khăn trong khi Cuba đang thiếu tiền mặt và cũng đang nợ nhiều nhà cung cấp và các đối tác liên doanh.
Karpowership có 5 tàu đang hoạt động ngoài khơi bờ biển của Cuba, với công suất khoảng 250 megawatt điện. Giới chuyên gia cho biết công ty của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần bổ sung hạm đội của mình ở ngoài khơi Cuba để sản xuất lượng điện mà nước này cần. Các tàu chở máy phát điện chạy bằng dầu hoặc khí tự nhiên, neo đậu gần đất liền và kết nối với mạng lưới điện địa phương.
Singapore dự kiến khai thác nhà máy điện hydro đầu tiên vào năm 2026
Singapore sẽ đưa vào hoạt động Keppel Sakra Cogen - nhà máy điện hydro đầu tiên vào nửa đầu năm 2026 trong bối cảnh quốc gia này đang trong quá trình chuyển ngành điện sang sử dụng nhiên liệu ít phát thải khí carbon.
Nhà máy Keppel Sakra Cogen có thể chạy hoàn toàn bằng hydro đốt sạch sẽ được xây dựng trên đảo Jurong và dự kiến công suất lên đến 600 MW. Công suất này chiếm khoảng 9% nhu cầu điện thời kỳ cao điểm của Singapore vào năm 2020 và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 864.000 căn hộ 4 phòng ngủ trong một năm.
Nhà máy điện hydro sẽ sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chính. Tuy nhiên, nó cũng được thiết kế để hoạt động bằng nhiên liệu có hàm lượng hydro 30%, tạo ra ít khí carbon hơn nhiên liệu hóa thạch và có khả năng chuyển hoàn toàn sang chạy bằng hydro. Hydro có thể được lấy theo một số cách, và khi được sử dụng làm nhiên liệu sẽ tạo ra nước dưới dạng sản phẩm phụ.
![]() |
![]() |
T.H