Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/8/2022
![]() |
Nhà cung cấp khí đốt Nga Gazprom đã thông báo cho Pháp về kế hoạch cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên. Ảnh: Dw |
Thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đoàn giám sát gồm 24 thành viên do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng Đoàn.
Đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát gồm Chính phủ và các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đoàn giám sát sẽ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
EU lên kế hoạch can thiệp khẩn cấp giá năng lượng
Giới chức châu Âu ngày 29/8 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị thực hiện hành động khẩn cấp để cải cách thị trường điện và kiểm soát giá năng lượng vốn đã tăng vọt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ vào ngày 9/9.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Bled, Slovenia, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đánh giá, việc giá điện tăng vọt làm bộc lộ những hạn chế trong việc hình thành thị trường điện hiện tại của EU. Bà cho biết EU “đang tiến hành can thiệp khẩn cấp và cải cách cơ cấu thị trường điện”.
Ủy ban châu Âu vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết về cải cách thị trường năng lượng, nhưng một số quốc gia thành viên đang thúc đẩy áp đặt mức trần tạm thời đối với giá bán buôn khí đốt. EU cũng đang xem xét các biện pháp tách giá điện với giá khí đốt và tính đến các nguồn năng lượng khác. Một số quốc gia thành viên đã đưa ra biện pháp giảm giá riêng, nhưng EU cho rằng, các nước hợp tác với nhau sẽ hiệu quả hơn.
Nga cắt bớt khí đốt sang Pháp
Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp xác nhận nhà cung cấp khí đốt Nga Gazprom đã thông báo cho họ về kế hoạch cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên từ hôm nay (30/8) vì các tranh chấp trong hợp đồng giữa hai bên, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Engie khẳng định, họ "đã tích trữ lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng" và nhu cầu của chính công ty, đồng thời "đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tác động trực tiếp về tài chính và vật chất từ nguy cơ nguồn cung khí đốt Gazprom bị gián đoạn".
Hiện chưa rõ lượng khí đốt mà Gazprom dự định cắt giảm. Gazprom chưa bình luận về thông tin của Engie. Bộ trưởng Chuyển tiếp Năng lượng Pháp Agnes Pannier Runacher cho rằng, "Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí" và Pháp "phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn".
Đan Mạch tăng nguồn cung năng lượng tái tạo cho châu Âu
Bộ Năng lượng Đan Mạch ngày 29/8 thông báo nước này sẽ nâng công suất phát điện của hòn đảo năng lượng tái tạo Bornholm tại biển Baltic để đảm bảo tăng kết nối điện tới Đức và phần còn lại của châu Âu.
Bornholm là một trung tâm năng lượng ngoài khơi cách thủ đô Copenhagen 169 km về phía Đông Nam, dự kiến sẽ tăng công suất từ 2 lên 3 gigawatt vào năm 2030, đủ để đáp ứng nhu cầu của 3,3 triệu dân Đan Mạch hoặc 4,5 triệu hộ gia đình Đức. Cũng theo thông cáo, Đan Mạch và Đức đã đạt được thỏa thuận chính trị về xây cáp từ đảo năng lượng này tới Đức, để nguồn điện trên đảo có thể kết nối trực tiếp với lưới điện của Đức và phần còn lại của châu Âu.
Thông cáo nhấn mạnh thỏa thuận với Đức là một hình thức hợp tác mới, trong đó chi phí và lợi ích của Bornholm sẽ được chia đều giữa các bên. Nguồn điện xanh từ đảo năng lượng Bornholm được khẳng định sẽ bổ sung cho dây chuyền sản xuất điện quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng và trung hòa khí thải của châu Âu.
Taliban gần đạt thỏa thuận mua dầu của Nga
Các quan chức Taliban và Moskva đang hoàn tất một thỏa thuận cho phép chính quyền Afghanistan mua nhiên liệu cần thiết đồng thời giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga đang bị các lệnh trừng phạt bủa vây. Một nguồn tin giấu tên trong văn phòng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Afghanistan nói với Reuters rằng các hợp đồng dự kiến sẽ sớm được hoàn tất.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Taliban tìm cách phá vỡ tình trạng đóng băng ngoại giao sau khi họ tiếp quản Afghanistan vào năm ngoái, và Nga đang nỗ lực né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Cho tới nay, không có chính phủ nào chính thức công nhận chính quyền của Taliban sau khi nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn này lên nắm quyền. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đối nghịch với Mỹ đã duy trì các đại sứ quán tại thủ đô Kabul của Afghanistan.
Pháp cảnh báo về nguy cơ phải phân phối năng lượng trong mùa đông
Ngày 29/8, tại Hiệp hội giới chủ Pháp MEDEF, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo về nguy cơ phải thực hiện "phân phối năng lượng" trong mùa đông này, đồng thời thúc giục giới lãnh đạo các công ty triển khai các biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng.
"Nếu chúng ta cùng hành động thì có thể giải quyết được nguy cơ thiếu hụt (năng lượng), song trong trường hợp mọi người không tham gia và nếu xảy ra các kịch bản xấu nhất, chúng tôi có thể buộc phải áp đặt cắt giảm tiêu thụ (nhiên liệu) đối với người tiêu dùng", bà Borne nêu rõ.
Thủ tướng Pháp cho biết nếu buộc phải phân bổ năng lượng thì các công ty sẽ phải chịu tác động nhất. Chính phủ Pháp đã đề ra một kế hoạch dự phòng bao gồm "một hệ thống giao dịch hạn ngạch", có thể giúp các công ty mua và bán hạn ngạch điện, đồng thời đang chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ cho các công ty. Bà Borne cũng kêu gọi từng công ty đề ra kế hoạch tiết kiệm năng lượng riêng vào tháng 9.
![]() |
![]() |
T.H