Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/8/2022
![]() |
Gazprom của Nga xác nhận tạm ngừng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để bảo trì, thời gian bắt đầu từ ngày 31/8 đến ngày 3/9. Ảnh: HP |
Nga xác nhận tạm đóng Dòng chảy phương Bắc 1
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận tạm ngừng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để bảo trì, thời gian bắt đầu từ ngày 31/8 đến ngày 3/9. Theo Reuters, xác nhận từ phía Gazprom làm tăng sự bất ổn trong mối quan hệ hiện tại giữa Moscow và châu Âu.
Reuters dẫn dữ liệu từ trang web theo dõi Dòng chảy phương Bắc 1 cho hay, lượng khí đốt đi qua ống đã giảm về mức 0 từ 2h00 sáng 31/8 (giờ châu Âu). Trong khi đó, dữ liệu vận hành hôm 30/8 cho thấy lượng khí được vận chuyển qua đường ống vẫn được giữ ổn định ở mức 20% công suất.
Trước đó vào tháng 7, Gazprom từng cho dừng Dòng chảy phương Bắc 1 trong vòng 10 ngày với lý do bảo trì ống dẫn khí hàng năm. Trong tháng 8, Gazprom từng bày tỏ ý định đóng đường ống, nhưng chưa công bố thời gian chi tiết. Theo Gazprom, dừng đường ống trong thời gian 72 tiếng là việc cần làm “sau mỗi 1.000 giờ vận hành”.
Nga cho phép doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào dự án năng lượng Sakhalin 2
Chính phủ Nga ngày 30/8 đã cho phép một công ty thương mại của Nhật Bản đầu tư vào dự án năng lượng dầu khí Sakhalin 2. Theo đó, Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch để Mitsui & Co. nắm 12,5% cổ phần trong công ty điều hành dự án do Nga mới thành lập vào đầu tháng 8.
Nhật Bản đang đặt mục tiêu đảm bảo nguồn cung LNG ổn định. Ngoài ra, dự án Sakhalin 2 chiếm khoảng 9% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đánh giá rất cao tầm quan trọng của dự án trên. Mitsubishi Corp., một doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản nắm giữ 10% cổ phần trong công ty trước đây - cũng cho biết có ý định giữ cổ phần trong công ty mới.
Nhà điều hành mới của dự án tài nguyên thiên nhiên ở vùng Viễn Đông nước Nga được thành lập vào ngày 5/8 theo một sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo các nguồn tin, công ty mới đã đưa ra các điều khoản hợp đồng tương tự như dưới thời công ty tiền nhiệm cho các nhà khai thác năng lượng.
Đức thừa nhận khó khăn khi áp giá trần với khí đốt ở châu Âu
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck ngày 30/8 thừa nhận những khó khăn trong việc áp đặt giá trần đối với khí đốt ở châu Âu, song cho biết Đức và các đối tác châu Âu sẽ tìm một cách tiếp cận tối ưu cho cơ chế định giá năng lượng ở cấp độ châu Âu.
Bộ trưởng Habeck nêu rõ: "Sẽ có đáng kể những vấn đề cần giải quyết khi áp mức trần một cách cứng rắn và cứng nhắc. Tuy nhiên cũng có khả năng tác động đến giá khí đốt bằng cách mua hàng một cách thông minh và có cấu trúc". Ông Habeck không cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị Hội đồng Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 9/9 tới.
Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh tới những thành công trong chính sách năng lượng cho đến nay của Chính phủ Đức. Mức lấp đầy khí đốt tại các cơ sở tích trữ tại Đức tính đến hết ngày 30/8 đã ở mức 83,7% và điều này có nghĩa Đức sẽ đạt mốc tích trữ 85% sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, ông Habeck cũng thừa nhận vẫn còn những thách thức trong vấn đề năng lượng, trước hết là giá cả đang ở mức cao.
Các nước láng giềng chỉ trích khi Na Uy đề xuất ngừng xuất khẩu điện
Andreas Bjelland Eriksen, quốc vụ khanh Bộ Dầu khí và Năng lượng Na Uy, xác nhận rằng nước này đang xem xét một cơ chế có thể hạn chế hoạt động thủy điện và chính vì thế, hạn chế xuất khẩu, khi các hồ chứa cung cấp năng lượng cho các cơ sở thủy điện của họ đang "giảm xuống mức rất thấp".
Các nhà điều hành lưới điện của Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển đã lập tức cảnh báo Na Uy rằng đề xuất ngừng xuất khẩu điện của nước này trong bối cảnh Oslo lo ngại về an toàn trong sản xuất thủy điện, có khả năng làm suy yếu thị trường châu Âu.
"Đây sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu làm điều này trong lĩnh vực điện. Đó sẽ là một bước đi rất nguy hiểm và mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa. Đó là hành động ích kỷ", Giám đốc điều hành cơ quan vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid, ông Jukka Ruusunen nói với Financial Times.
Mỹ kêu gọi đóng cửa nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã thúc giục đóng cửa hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, do Nga kiểm soát. Thông tin này được người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với báo chí hôm 30/8.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị quân đội Ukraine nã pháo trở lại. Ba quả đạn rơi trong khu vực một tòa nhà đặc biệt của nhà máy Zaporizhzhia và 5 quả khác rơi xuống đối diện một trạm bơm, nơi cung cấp hệ thống làm mát cho một trong các lò phản ứng.
Theo người đứng đầu chính quyền khu vực Zaporizhzhia Yevgeny Balitsky, các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine có thể dẫn đến tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP), gây hậu quả tương đương với thảm kịch Chernobyl và Fukushima. Ông Balitsky cũng nói rằng tai nạn xảy ra tại Zaporizhzhia từ các cuộc pháo kích liên tục của Ukraine có thể trở thành thảm họa đối với châu Âu, và bức xạ có thể lan tới kênh Crimea và biển Đen.
![]() |
![]() |
T.H