Doanh nghiệp lao đao trong “bão” Covid-19
![]() |
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Số doanh nghiệp rời thị trường cao kỷ lục
Theo thống kê, chỉ tính riêng tại TP HCM từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng có 1.800 doanh nghiệp rời thị thường, tăng 18,99% so với cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online, kết quả cho thấy tình hình không khả quan. Trên 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, chủ yếu do các nguyên nhân: Thiếu vốn, thị trường thu hẹp, đứt gãy chuỗi cung ứng, cắt giảm lao động... Cụ thể, doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thị trường thu hẹp chiếm 80%; doanh nghiệp phải cắt giảm lao động chiếm 52%; doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; doanh nghiệp bị cản trở hoạt động kinh doanh do cách ly xã hội chiếm trên 50%.
Tại các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” chỉ còn khoảng 30-40% lao động tham gia sản xuất, trong khi việc bố trí mặt bằng tạm để người lao động (NLĐ) ăn, nghỉ, sinh sống tại nhà máy đã phát sinh nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sinh thái sản xuất đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì không đồng bộ; các phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa qua mỗi địa phương có quy định kiểm soát khác nhau làm cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
![]() |
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất trong đại dịch |
Diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu đối với doanh nghiệp. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm, chăm lo cho NLĐ đang làm việc hoặc đã nghỉ việc thông qua các hoạt động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban ngành ở địa phương.
Chăm lo cho NLĐ là chăm lo cho nguồn lực sản xuất, vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường chăm lo cho NLĐ để không NLĐ nào đang gặp khó khăn mà bị bỏ sót.
![]() |
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam: Cần thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ngành nhựa Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động trên cả nước, trong đó có 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TP HCM và Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh. Diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp đã làm cho doanh nghiệp nhựa điêu đứng. Có tới 50% doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, tổn thất không chỉ về kinh tế mà còn cả về uy tín với khách hàng. Dự báo những tháng cuối năm vẫn là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn của cả ngành nhựa.
Do rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu phong tỏa nên hoạt động chỉ đạt 30%, hoặc cao nhất là 50%, ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xem xét giãn nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới với những khoản vay ngắn hạn và dài hạn,trên cơ sở đó giảm 2-3% lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời điểm khó khăn như hiện nay; đồng thời lùi thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm xã hội trong 6 tháng tới để giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
![]() |
Doanh nghiệp sản xuất linh kiện nhựa |
Ngành nhựa nhập khẩu đến 85% nguyên vật liệu sản xuất. Thời gian qua, do hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp chỉ hoạt động 30-50% công suất nhà máy. Vì vậy, nguyên liệu nhập về cảng chưa kịp đưa vào sản xuất đã phải lo đưa về lưu kho. Trong khi đó, kho bãi của nhà máy hiện đã dành hết cho công nhân ăn nghỉ nên doanh nghiệp tốn thêm chi phí thuê kho bãi bên ngoài để đưa hàng về. Hiện các hãng tàu cho lưu container 14-21 ngày, trong khi lưu bãi chỉ có 5 ngày. Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị các hãng tàu cho kéo dài thời gian lưu bãi bằng thời gian lưu container để các doanh nghiệp tránh phải trả chi phí phát sinh.
Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ lao động không có việc làm trong thời gian dịch bệnh do nhà máy chỉ hoạt động 30% công suất.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online, kết quả cho thấy tình hình không khả quan. Trên 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, chủ yếu do các nguyên nhân: Thiếu vốn, thị trường thu hẹp, đứt gãy chuỗi cung ứng... |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng năm 2021, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất tháng 7-2021 so với cùng kỳ năm 2020 của 19 tỉnh, thành phố phía Nam cũng giảm mạnh. Trong đó, TP HCM giảm mạnh nhất 19,4%, tiếp đến là Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%, Trà Vinh giảm 5,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%, Bến Tre giảm 0,2%... Các tỉnh còn lại đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong những tháng tới. |
Thanh Hồ
-
Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
-
Ứng phó việc áp thuế mới từ Hoa Kỳ: Bình tĩnh, chủ động, khôn khéo thì sẽ vượt qua thử thách
-
Đề xuất gói lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
-
Phân cấp đầu tư công về địa phương để tạo động lực tăng trưởng dài hạn
-
Trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp là giảm thủ tục hành chính