Chủ tịch nước Lương Cường: Cải cách tư pháp phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân

18:17 | 09/05/2025

72 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về ba dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Luật Thanh tra (sửa đổi). Tại Tổ 2, Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và có phát biểu quan trọng, nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của cải cách tư pháp là “phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân”.
Chủ tịch nước Lương Cường: Cải cách tư pháp phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân
Chủ tịch nước Lương Cường

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với các tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi luật phải bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp, phù hợp chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn phát triển mới.

“Luật pháp không chỉ để xử lý người vi phạm mà còn là công cụ giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân”, Chủ tịch nước khẳng định. Theo Chủ tịch nước, cải cách tư pháp phải hướng đến một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sắp xếp tổ chức hành chính cấp địa phương.

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong bối cảnh tổ chức bộ máy đang từng bước đổi mới theo mô hình hai cấp. Chủ tịch nước cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng về cơ cấu tổ chức và thẩm quyền để bảo đảm tính gần dân, hiệu quả thực thi pháp luật.

Dẫn lại quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “luật của mình, chỗ nào chưa đúng thì mình sửa”, Chủ tịch nước nhấn mạnh cải cách tư pháp không thể nóng vội nhưng cần quyết liệt, chắc chắn. “Luật khi ban hành phải có 'tuổi thọ' lâu dài, tránh tình trạng lách luật hay sai luật do không hiểu”, Chủ tịch nước nói.

Về các nội dung khác được thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với các dự án luật, tuy nhiên cũng đưa ra một số kiến nghị về việc mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đề nghị làm rõ hơn cơ sở chính trị và thực tiễn của những nội dung mới được đề xuất.

Đối với Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu lưu ý đến nguy cơ chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành và giám sát của các cơ quan dân cử. Nhiều ý kiến đề xuất cần có quy định rõ ràng để xử lý trùng lặp, bảo đảm hiệu quả giám sát và quyền lợi của đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng thảo luận để hoàn thiện hệ thống pháp luật tư pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của nhân dân.

Huy Tùng

  • bidv-don-tet-gia-dinh