Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
![]() |
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) |
Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt vốn nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng với các mặt hàng xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc môi trường, không nên áp dụng với xăng - loại nhiên liệu phổ thông, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp. Việc đánh thuế đặc biệt với xăng có thể tạo hiệu ứng dây chuyền lên chi phí vận chuyển, sản xuất và giá cả hàng hóa, ảnh hưởng lớn tới người có thu nhập thấp.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng chính sách cần hài hòa, nhà nước giữ được nguồn thu từ thuế môi trường, tăng trưởng xanh, nhân dân được hưởng môi trường trong lành hơn và chi phí nhiên liệu ổn định nhờ công nghệ mới, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải công nghệ và năng lượng, có động lực đầu tư, đổi mới sáng tạo để dẫn dắt thị trường năng lượng sạch.
“Tôi đề nghị chỉ thu thuế môi trường và khuyến khích năng lượng sạch thay thế. Điều này giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước vẫn đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ xăng dầu, thúc đẩy năng lượng sạch, hài hòa lợi ích các bên”, đại biểu Khải kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị, nếu cần thiết, nên tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thay vì bổ sung thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh gây ra tình trạng "thuế chồng thuế".
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng từ lâu, và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COOP 26 giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050.
“Với cam kết về môi trường như thế đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu chúng ta so sánh ngược về trước, chúng ta thấy ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, với những phương tiện hiện nay trong lĩnh vực giao thông mà chúng ta tiếp tục khuyến khích không đánh thuế xăng thì rất khó khăn trong vấn đề thay đổi hành vi”, Bộ trưởng bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, mong muốn là phải sử dụng xe điện, sử dụng hệ thống Metro… thì cần có nhiều giải pháp và trong đó có vấn đề liên quan đến xăng.
Về ý kiến xăng hiện nay chịu thuế và phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xăng dầu hiện nay chịu cả thuế tiêu thụ đặc biệt và phí bảo vệ môi trường là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở nhiều quốc gia phát triển, việc đánh thuế và phí lên nhiên liệu là phổ biến, dù tên gọi có thể khác nhau - như thuế CO2 hay phí CO2.
Theo ông, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách, trong khi phí bảo vệ môi trường tạo nguồn tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường. Hai chính sách này tuy có mục tiêu khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau.
Việc áp dụng đồng thời cả hai là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng tổng mức thuế và phí hiện tại của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Âu, nơi thuế lên tới 17.000 - 18.000 đồng/lít xăng.
Huy Tùng ( T/h)