Châu Á mua thêm năng lượng Mỹ để “xoa dịu” căng thẳng thương mại
![]() |
Nhiều quốc gia châu Á đang tìm cách gia tăng nhập khẩu dầu khí từ Mỹ. Ảnh AFP |
Hầu hết các nước châu Á đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đồng thời là những khách hàng nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Việc gia tăng mua năng lượng từ Mỹ được xem là một “nước cờ đôi” – vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa mang tính chiến lược trong đàm phán thương mại với Nhà Trắng.
INDONESIA
Indonesia dự kiến sẽ đề xuất tăng nhập khẩu dầu thô và khí hóa lỏng (LPG) từ Mỹ lên khoảng 10 tỷ USD như một phần trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Bộ trưởng Năng lượng Bahlil Lahadalia cho biết nước này đang xin tăng hạn ngạch nhập khẩu LPG từ Mỹ, đồng thời muốn đẩy mạnh mua dầu thô Mỹ để cải thiện cán cân thương mại với Washington.
PAKISTAN
Pakistan đang cân nhắc nhập khẩu dầu thô từ Mỹ lần đầu tiên như một cách để cân bằng cán cân thương mại – nguyên nhân chính khiến Mỹ áp thuế cao hơn.
Một quan chức chính phủ và đại diện nhà máy lọc dầu cho biết Pakistan muốn nhập lượng dầu tương đương với kim ngạch nhập khẩu hiện tại của nước này – khoảng 1 tỷ USD – như một động thái mang tính biểu tượng và chiến lược.
ẤN ĐỘ
Ấn Độ đang xem xét xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với LNG Mỹ, nhằm tăng nhập khẩu khí hóa lỏng và giảm căng thẳng với Washington. Bốn nguồn tin từ Chính phủ nước này và ngành công nghiệp cho biết, ngoài LNG, Ấn Độ cũng có kế hoạch bỏ thuế với khí ethane và LPG từ Mỹ.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh GAIL – đơn vị nhập LNG lớn nhất Ấn Độ – hiện đang tìm mua tới 26% cổ phần trong một dự án LNG tại Mỹ, kèm theo hợp đồng mua khí đốt kéo dài 15 năm.
THÁI LAN
Thái Lan cho biết đang lên kế hoạch tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí ethane từ Mỹ trong 5 năm tới, như một phần trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và củng cố quan hệ thương mại với Washington.
Theo kế hoạch hiện tại, Thái Lan sẽ nhập 1 triệu tấn LNG mỗi năm từ Mỹ, bắt đầu từ năm 2026, trong khuôn khổ hợp đồng 15 năm có tổng giá trị khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, nước này còn dự kiến ký thêm một thỏa thuận mới để mua hơn 1 triệu tấn LNG trong 5 năm tới.
Không chỉ LNG, Bangkok cũng có kế hoạch nhập 400.000 tấn khí ethane từ Mỹ, trị giá khoảng 100 triệu USD, trong vòng 4 năm, theo lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan.
Dự án LNG ALASKA
Trong một nỗ lực mở rộng ảnh hưởng thương mại và năng lượng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy dự án xuất khẩu LNG trị giá 44 tỷ USD tại Alaska, và muốn các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cùng tham gia.
Dự án này sẽ vận chuyển khí đốt từ vùng cực bắc hẻo lánh của Alaska qua một hệ thống đường ống dài 1.300 km, sau đó hóa lỏng và xuất khẩu sang châu Á mà không cần đi qua kênh đào Panama – giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và tăng tính chiến lược.
Tháng 3 vừa qua, một phái đoàn từ Alaska đã đến Nhật Bản để gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách và tìm kiếm đối tác đầu tư. Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) xác nhận đang xem xét tham gia dự án, nhưng Tổng Giám đốc Katsuya Nakanishi cho biết họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Về phía Hàn Quốc, Bộ Công nghiệp nước này đang chuẩn bị cử đoàn đến Alaska để đàm phán các nội dung hợp tác cụ thể.
Trong khi đó, Đài Loan đã đi trước một bước. Tháng trước, Tập đoàn Nhiên liệu Quốc gia Đài Loan (CPC Corp) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Phát triển Đường ống Khí đốt Alaska để mua LNG và đầu tư vào dự án. Tổng thống Đài Loan Lai Ching-te cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng cho hòn đảo trong bối cảnh thị trường thế giới ngày càng biến động.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP