“Nội chiến” bên trong tập đoàn BP?

09:27 | 23/04/2025

|
Tập đoàn năng lượng BP đang rơi vào giai đoạn đầy sóng gió khi giá cổ phiếu liên tục sụt giảm – từ mức vốn đã thấp so với các đối thủ trong ngành. Đây là tình thế mà không doanh nghiệp nào muốn rơi vào, đặc biệt là một “ông lớn” như BP.
“Nội chiến” bên trong tập đoàn BP?
Tính đến ngày 17/4, giá cổ phiếu của BP đã giảm tới 32,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh Reuters

Tính đến ngày 17/4, giá cổ phiếu của BP đã giảm tới 32,42% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm thêm 12,41% từ đầu năm 2025, và chỉ tăng 14,42% trong vòng 5 năm qua – một con số quá khiêm tốn nếu so với các đối thủ cùng ngành. Shell, đối thủ của công ty, chỉ giảm 16,2% theo năm và tăng tới 76,64% trong 5 năm qua. Trong khi đó, ExxonMobil tăng 144,45%, Chevron tăng 58,45%, và TotalEnergies cũng không kém cạnh với mức tăng 61,09%.

Không ngạc nhiên khi thị trường và nhà đầu tư bắt đầu mất kiên nhẫn với BP.

Cổ đông nổi giận, nhà đầu tư chủ động vào cuộc

Ngày 13/2, quỹ đầu tư Elliott Investment Management bất ngờ công bố đã mua gần 5% cổ phần của BP. Elliott vốn nổi tiếng với chiến lược “tạo áp lực để thay đổi”, và lần này, BP lập tức có phản ứng.

Chưa đầy hai tuần sau, ngày 26/2, CEO mới của BP là Murray Auchincloss – người đang dẫn dắt công ty quay lại tập trung vào mảng dầu khí truyền thống – tuyên bố chiến lược “làm ít hơn nhưng sinh lợi nhiều hơn”. Ông xác định Mỹ và Trung Đông là hai thị trường trọng điểm để mở rộng khai thác, đồng thời cam kết giữ sản lượng dầu khí ở mức 2,3 – 2,5 triệu thùng dầu tương đương/ngày vào năm 2030, thay vì cắt giảm như kế hoạch trước đây.

Ngay từ khi lên nắm quyền vào tháng 9/2023, ông Auchincloss đã cố gắng khắc phục những hệ quả để lại từ thời người tiền nhiệm Bernard Looney, cũng như giải quyết dư âm từ việc ông Looney ra đi đột ngột.

Tháng 1 vừa rồi, BP công bố kế hoạch cắt giảm 8.000 nhân sự, giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo và tăng chi tiêu cho dầu khí lên 10 tỷ USD mỗi năm, nhằm lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. Chủ tịch BP, Helge Lund, người từng dẫn dắt chiến lược “xanh hóa” của công ty, cũng tuyên bố sẽ rời chức vào tháng 4/2026 như một cách xoa dịu cổ đông.

Dù vậy, giá cổ phiếu của BP vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, và áp lực với CEO Auchincloss đang ngày càng lớn.

Sự bất mãn của cổ đông lên đến đỉnh điểm trong đại hội cổ đông thường niên vào ngày 18/4, khi gần 25% cổ đông bỏ phiếu phản đối việc tái bổ nhiệm ông Helge Lund. Đây là cuộc phản đối lớn nhất đối với một Chủ tịch trong suốt 5 năm qua.

BP sẽ đi về đâu?

Với phong cách đầu tư quyết liệt, giới phân tích dự báo quỹ Elliott sẽ thúc ép BP bán bớt tài sản, tái cấu trúc và củng cố bảng cân đối tài chính để hỗ trợ giá cổ phiếu. Có tin đồn cho rằng BP có thể bị thâu tóm hoặc sáp nhập với Shell – nhưng khả năng này bị đánh giá là khó xảy ra, do vướng rào cản cạnh tranh và sự miễn cưỡng từ phía Shell.

Ngoài ra, các cổ đông lớn của BP được cho là chỉ chấp nhận bán nếu giá mua lại cao gấp đôi giá trị hiện tại – điều mà cổ đông Shell khó chấp nhận. Nhiều khả năng, quỹ Elliott và các cổ đông lớn khác muốn BP tiếp tục hoạt động độc lập, thay vì sáp nhập.

Trước mắt, BP có thể sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư, tập trung nhiều hơn vào mảng dầu khí – đúng như định hướng hiện tại của CEO Auchincloss. Dù vậy, BP vẫn giữ lại một phần hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm phục vụ mảng kinh doanh điện đang tăng trưởng mạnh của công ty.

Tuy nhiên, ông Auchincloss nhấn mạnh rằng BP sẽ ưu tiên phân bổ vốn một cách “khôn ngoan” hơn, tập trung vào các dự án dầu khí có khả năng sinh lời rõ rệt thay vì dàn trải.

Liệu những nỗ lực này có đủ để vực dậy giá cổ phiếu và xoa dịu làn sóng phẫn nộ từ cổ đông của BP? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào kết quả thực tế trong thời gian tới.

BP cân nhắc việc bán cổ phần trong hai dự án triển vọng ở Vịnh MexicoBP cân nhắc việc bán cổ phần trong hai dự án triển vọng ở Vịnh Mexico
Vì sao BP rút khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu tại Áo?Vì sao BP rút khỏi thị trường bán lẻ nhiên liệu tại Áo?
BP công bố phát hiện dầu nước sâu tại Vịnh MỹBP công bố phát hiện dầu nước sâu tại Vịnh Mỹ

Nh.Thạch

Reuters