Cẩn trọng với nợ xấu gia tăng
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn được điều hành khá thận trọng, các yếu tố về lạm phát, thanh khoản, lợi tức trái phiếu vẫn đang khá thuận lợi để NHNN thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tính đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5-2%/năm, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN, từ tổ chức kinh tế và dân cư với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất huy động vốn và cho vay, đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Đồng thời, NHNN ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn thêm l năm nhằm giảm chi phí huy động vốn và duy trì dư nợ trung - dài hạn cho khách hàng.
Tháng 7-2021, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã kêu gọi 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống) giảm lãi suất cho vay. Theo đó, BIDV, Vietcombank, MB, Agribank, TPBank, ACB, HDBank, Sacombank... đã đồng loạt giảm lãi suất đối với cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới 0,5-1%/năm đối với khách hàng cá nhân và 1-2%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực hoặc đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Thực tế, tăng trưởng tín dụng hết tháng 6-2021 đạt 6,44% (theo NHNN), thấp hơn mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm 2019, nhưng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020 (+3,65%), cho thấy tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục. Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lực cầu nền kinh tế còn yếu, khả năng tín dụng cả năm 2021 chỉ tăng khoảng 10-11%.
Theo NHNN, đến hết tháng 7-2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198 nghìn khách hàng với dư nợ 309 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn 0,5-2%/năm so với trước dịch với doanh số lũy kế từ đầu dịch đến nay hơn 4 triệu tỉ đồng cho 525 nghìn khách hàng.
NHNN đang lấy ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN với mục tiêu chính là mở rộng phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ phát sinh từ 23-1-2020 đến trước ngày 1-8-2021; gia hạn thời gian thực hiện cơ cấu lại đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022. Theo VNBA, dự kiến sẽ có thêm khoảng 600 nghìn tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được cơ cấu lại theo Thông tư sửa đổi. Như vậy, nợ xấu tiềm ẩn sẽ còn tăng và dự phòng rủi ro cũng tăng lên, kéo theo lợi nhuận các TCTD sẽ bị ảnh hưởng, khó duy trì đà tăng trưởng.
![]() |
Cẩn trọng với nợ xấu gia tăng |
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết, NHNN đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản, góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch Covid-19. Những tháng đầu năm 2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,64% so với cuối năm 2020. Đặc biệt, lãi suất cơ bản được điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất trong năm 2020 và lãi suất trong 7 tháng qua tiếp tục duy trì ở mức thấp. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Thanh Hà, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2021 khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn cần phải quan tâm: Các TCTD đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu tăng cao trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ khi dịch bệnh tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân là khách hàng của ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết: Hiện tổng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, vẫn giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, vẫn giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 347.000 tỉ đồng.
Nhưng con số đó có khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cũng cho rằng nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% cuối năm 2021. Đây sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Minh Châu
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ
-
Quý I/2025: Thu ngân sách nhà nước tăng 29%
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/4: Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?