Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô như thế nào?
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam (VASI), cả nước hiện có hơn 350 doanh nghiệp (DN) CNHT ôtô, nhưng 80% DN nước ngoài, số còn lại là DN trong nước nhưng phần lớn quy mô nhỏ, khó có điều kiện đầu tư công nghệ và việc liên kết giữa các DN này cũng còn khá yếu.
![]() |
Nhiều linh kiện lắp ráp ô tô sẽ được miễn thuế nhập khẩu từ tháng 7. |
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển khá nhanh. Hiện, Việt Nam có hơn 350 DN sản xuất liên quan đến ôtô, tổng công suất lắp ráp khoảng 680.000 xe/năm. Tuy nhiên, DN trong lĩnh vực CNHT ngành ôtô còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với các quốc gia trong khu vực.
Ước tính, một chiếc ôtô có đến 30.000 linh kiện, nhưng DN Việt Nam chỉ sản xuất được không quá chục loại. Dự báo, đến năm 2025, thị trường ôtô Việt Nam sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm. Đây chính là cơ hội lớn để DN phát triển CNHT và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội, CNHT ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, ngành chế biến, chế tạo vẫn đang phụ thuộc lớn vào các DN FDI, CNHT trong nước chưa thực sự phát triển. Do đó, nguồn cung cho các DN FDI cũng phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): “Thực trạng trên không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn”.
Vì vậy, phát triển CNHT, tăng cường liên kết giữa DN trong nước với DN FDI có chiến lược phát triển lâu dài và hình thành chuỗi cung ứng trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam. Nhưng để doanh nghiệp Việt có thể lội ngược dòng áp lực cạnh tranh đi lên, rồi tổ chức thành các nhóm ngành hàng liên kết là điều không tưởng. Thực tế mấy chục năm phát triển ngành ô tô tại nước ta đã cho thấy điều đó.
![]() |
Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô giậm chân tại chỗ hơn 20 năm qua. |
Gần đây, Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ DN trong nước lĩnh vực CNHT ôtô. Đây là năm thứ hai, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, Toyota Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hỗ trợ các nhà cung cấp Việt cũng như cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền công nghiệp ôtô và ngành CNHT Việt Nam.
Bản ghi nhớ này nhận được sự trông đợi và kỳ vọng từ các DN cũng như giới chuyên gia, sẽ tạo thêm những xung lực mới cho sự phát triển của ngành CNHT ôtô trong nước. Hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho DN công nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam, hai bên sẽ tập trung hỗ trợ DN sản xuất linh kiện ôtô trong nước để tăng năng lực liên kết với các nhà lắp ráp ôtô, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành CNHT, nâng cao khả năng cung ứng nội địa. Theo đó, Toyota sẽ cung cấp các tiêu chí cơ bản làm căn cứ cho Bộ Công Thương sàng lọc dữ liệu DN phù hợp, sau đó đánh giá sơ bộ nhà cung cấp, hỗ trợ làm việc, hậu cần, chuyên gia tư vấn. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý, cung cấp tư vấn viên, danh sách nhà cung cấp tiềm năng, hỗ trợ đào tạo…
Ông Hiroyuki Ueda - Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam khẳng định: "Đối với Toyota Việt Nam, việc đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh”.
Có thể thấy rằng, một ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cực cao như ngành sản xuất ô tô Việt Nam thì doanh nghiệp nội không thể vượt lên nếu thiếu công nghệ, thiếu sự hỗ trợ từ Chính phủ bằng những cam kết chuyển giao, hỗ trợ chia sẻ thị trường. Công nghiệp ô tô của Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... để phát triển doanh nghiệp nội địa đều phải có đủ và nhiều hơn nữa những điều kiện nêu trên.
Tùng Dương