![]() |
Các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương cần quyết liệt, nỗ lực, đồng hành với doanh nghiệp, người dân cùng hướng tới mục tiêu chung tăng trưởng kinh tế. |
Triển vọng tăng trưởng |
Theo Cục thống kê, kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Đặc biệt, chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên các hàng hóa được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trước những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, ngay từ tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, dự báo các quý tiếp theo sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt. Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA. Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. |
![]() |
Dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phản ứng nhanh chóng đối với chính sách áp thuế đối ứng 46% cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ. Thứ nhất, đầu tư công và đầu tư nước ngoài tiếp tục là cánh tay đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt sẽ là cầu nối cũng như bước đệm quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ. Thứ hai, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế, hiện đang trong giai đoạn bùng nổ sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. Thứ ba, tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16% trong năm 2025 được kỳ vọng là cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách tháo gỡ pháp lý, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, từ đó kích thích phát triển ngành xây dựng. |
![]() |
Thứ tư, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Thứ năm, tăng cường chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách du lịch đặc biệt trong mùa du lịch sắp tới. Thứ sáu, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao. Thứ bảy, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hala… giảm sự phụ thuộc vào Mỹ; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới. |
Các giải pháp cần tập trung để đạt mục tiêu tăng trưởng |
Thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ linh hoạt đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn và phát triển kinh tế đã được nêu ra trong các Chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương cần quyết liệt, nỗ lực, đồng hành với doanh nghiệp, người dân cùng hướng tới mục tiêu chung tăng trưởng kinh tế. |
![]() |
Cụ thể, về phía cung: Chủ động phát triển xanh, nông nghiệp bền vững; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng mang lại giá trị nông nghiệp cao. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng bền vững và xanh, Hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc vào ngành chế biến, chế tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tự động hóa dây chuyền sản xuất, ứng dụng AI và Big Data để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phụ thuộc vào khai khoáng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông hạ tầng lớn có tính lan tỏa như đường vành đai, đường cao tốc, tuyến metro. Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kho bãi, ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú – ăn uống, tăng cường quảng bá văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam trên các nền tảng số và quốc tế để thu hút khách nội địa và quốc tế; Thúc đẩy thương mại điện tử, logistics và các dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nền tảng trực tuyến, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ tài chính, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp; Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (công nghệ số, AI, tự động hóa…) vào sản xuất, tối ưu hóa năng suất và kiểm soát chất lượng. Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và chính quyền; hỗ trợ ươm tạo và thương mại hóa các sáng chế. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển các ngành kinh tế gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. |
![]() |
Về phía cầu: Đẩy nhanh đồng thời kiểm soát tiến độ giải ngân đầu tư công. Cải thiện môi trường đầu tư, giảm thủ tục hành chính để thu hút thêm FDI. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh để phát triển bền vững. Nhanh chóng thực hiện đàm phán với Chính quyền Mỹ để giảm thuế đối với hàng hòa nhập khẩu tử Việt Nam, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, mở rộng thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế từ các FTA; Thúc đẩy thương mại chính ngạch thay vì tiểu ngạch sẽ giúp giảm bớt rủi ro gián đoạn thương mại và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; Tiến hành xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp xuất khẩu với các sàn thương mại điện tử quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng trong nước thông qua kéo dài chính sách giảm thuế VAT, mở rộng phạm vi giảm thuế để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa có tính lan tỏa cao. Phát triển thị trường lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường đào tạo nghề, đào tạo lại lao động để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số và tự động hóa. Nâng cao mức thu nhập thực tế của người dân thông qua các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội, giúp tăng khả năng chi tiêu và kích thích tiêu dùng trong nước. |
Nội dung - Đồ họa: Diệp Quỳnh |