Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/8/2022
![]() |
Đường ống cung cấp khí đốt Nord Stream 1. Ảnh: Euractiv |
Nga nêu điều kiện khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga Dmitry Medvedev ngày 26/8 cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu với khối lượng đã ký trên hợp đồng nếu phương Tây không "trói tay" Nga bằng những biện pháp hạn chế, hãng Tass đưa tin.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khí đốt với khối lượng đã được ký trên hợp đồng ngay cả là bây giờ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào các nước phương Tây. Nếu tay chúng tôi bị "trói", nếu các khoản thanh khoản bị cấm hoặc việc giao turbine đã sửa chữa hay việc vận hành dự án Nord Stream 2 bị từ chối, thì nguồn cung cấp sẽ không đạt được khối lượng như các nước phương Tây mong muốn", ông Medvedev nói.
Nga đã cắt giảm khí tự nhiên cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất và có kế hoạch đóng hoàn toàn dự án này trong 3 ngày vào tuần tới với lý do bảo trì turbine. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc khối này sử dụng khí đốt như một vũ khí để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá khí đốt tăng có thể khiến các công ty năng lượng Ba Lan phá sản
Theo đài RT ngày 27/8, ông Petr Wozniak, cựu Giám đốc công ty dầu khí nhà nước PGNIG của Ba Lan cho biết, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt có thể đẩy các công ty năng lượng nhỏ hơn ở Ba Lan tới chỗ phá sản. Vấn đề bắt nguồn từ việc các công ty năng lượng mua khí đốt trên thị trường giao ngay châu Âu - nơi giá đã tăng trong nhiều tháng.
Ông giải thích: Giá mà các công ty năng lượng Ba Lan phải trả trên thị trường giao ngay để mua khí đốt sẽ ngày càng cao. Có một mối đe dọa nghiêm trọng ở đây là các công ty sẽ không có đủ tiền để thanh toán thế chấp. Khi đó, một công ty sẽ buộc phải bỏ đấu thầu. Nếu không có nơi nào để mua khí đốt, công ty không thể bán hàng cho khách hàng cuối cùng. Các công ty đó có thể phá sản.
Ông Wozniak nói thêm rằng vào thời điểm cuối năm, dự báo giá khí đốt sẽ tăng rất mạnh. Trước đó, có thông tin cho rằng PGNIG đang tích cực vay tiền để mua khí đốt trên thị trường giao ngay sau khi từ chối trả bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga. Trong hai tháng qua, công ty này đã ký bốn thỏa thuận vay vài tỉ euro với nhiều tổ chức tài chính.
Hóa đơn năng lượng của người Anh tăng đột biến 80%
Cơ quan quản lý năng lượng Vương quốc Anh cho biết hóa đơn năng lượng hộ gia đình hàng năm của người dân nước này sẽ tăng 80%, sau mức tăng kỷ lục 54% vào tháng 4, theo AP hôm 26/8. Điều này có nghĩa chi phí sử dụng của mỗi người trung bình sẽ tăng từ 1.971 bảng (2.332 USD) một năm lên 3.549 bảng (4.163 USD) vào tháng 10.
Bình luận về quyết định của Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem (Anh) về việc tăng 80% số lượng hóa đơn năng lượng cho phép, Financial Times cho rằng, người dân Vương quốc Anh vào dịp Giáng sinh sắp tới sẽ phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thực phẩm do giá năng lượng tăng cao.
Financial Times cũng cho hay, ngoài người dân, quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh - các doanh nhân dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần hóa đơn năng lượng, điều này sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm hoặc đóng cửa công ty. Và Chính phủ Anh cần suy nghĩ về các nguồn năng lượng thay thế cũng như bỏ chi phí để hỗ trợ các hộ gia đình và công ty dễ bị tổn thương nhất.
Ngân hàng trung ương Nga nhận định đề xuất về giá và sản lượng dầu
Ngân hàng trung ương Nga ngày 26/8 cho rằng các mức giá và sản lượng dầu mà Bộ Tài chính đề xuất, sử dụng giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng và sản lượng 9,5 triệu thùng/ngày làm cơ sở trong quy định ngân sách mới nhằm sử dụng nguồn thu từ năng lượng cho Quỹ Tài chính Quốc gia (NWF) là quá cao.
Nga, với mong muốn tăng cường dự trữ ngoại tệ sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế sự tiếp cận của nước này với các thị trường tài chính toàn cầu, dự kiến sửa đổi quy định về việc sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ cho NWF nếu giá dầu tăng lên trên một mức nhất định.
Quy định ngân sách trước đó, đã dừng áp dụng do các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga sau khi nổ ra xung đột với Ukraine, nêu rõ nguồn thu từ dầu mỏ sẽ được sử dụng khi giá dầu ở mức 40 USD/thùng, với mức tăng hàng năm 2%. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu giá dầu cao có thể gây rủi ro cho việc củng cố NWF. Mục tiêu sản lượng 9,5 triệu thùng/ngày cũng gây rủi ro tương tự, dù nhỏ hơn.
Trung Quốc bán lại LNG cho châu Âu
Trung Quốc - nhà mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới đang bán lại một số lô hàng LNG dư thừa do nhu cầu năng lượng trong nước giảm. Điều này đã cung cấp cho châu Âu nguồn cung dồi dào, mặc dù giá cao hơn.
Kết quả, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm, theo công ty nghiên cứu Kpler. EU đã mua 53 triệu tấn và đã nâng tỉ lệ lấp đầy các kho chứa khí đốt của châu Âu lên đến 77%. Nếu xu hướng này được tiếp tục, châu Âu có khả năng đạt được mục tiêu đã nêu là lấp đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình vào tháng 11.
Truyền thông Trung Quốc cho biết chỉ riêng Sinopec đã bán được 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Tổng lượng LNG của Trung Quốc đã được bán lại có thể là trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm từ tháng 1 đến tháng 6.
Dầu của Nga bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường châu Á
Theo trang oilprice.com, sau nhiều tháng tăng lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ bán cho các khách hàng châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, dầu của Nga đang bị cạnh tranh gay gắt.
Khối lượng dầu thô của Nga bán cho Ấn Độ đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3 (thời điểm bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine). Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua nhiều dầu kỳ hạn từ đối thủ chính của Nga là Saudi Arabia. Chiến lược thiết lập giá của tập đoàn Aramco đã giúp dầu thô của Saudi Arabia trở nên hấp dẫn hơn khi giá dầu Nga tăng.
Ấn Độ nhập nhiều dầu hơn từ Saudi Arabia khi nước này tăng nguồn cung. Trong khi đó, các báo cáo trong ngành cho thấy Ấn Độ đã nhập khẩu 877.400 thùng dầu/ngày từ Nga trong tháng 7, giảm 7,3% so với tháng 6. Đối với Ấn Độ, Iraq vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất và Nga đứng thứ hai. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn giữ thế mạnh, chủ yếu là nhờ Ấn Độ vẫn có nhu cầu mua các loại dầu ESPO của Nga (có nhiều diesel).
TotalEnergies bán 49% cổ phần của mỏ khí đốt ở Nga
Công ty năng lượng TotalEnergies của Pháp ngày 26/8 thông báo ký một thỏa thuận với đối tác địa phương tại Nga là Novatek để bán 49% cổ phần của mình trong mỏ khí Termokarstovoye ở Nga "trên các điều kiện kinh tế cho phép TotalEnergies thu hồi số tiền đã đầu tư vào mỏ".
TotalEnergies cho hay việc thoái vốn được thống nhất vào tháng 7 và đệ trình lên các cơ quan chức năng của Nga vào đầu tháng 8, và được chấp thuận vào ngày 25/8.
TotalEnergies là công ty năng lượng lớn duy nhất của phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất và kinh doanh ở Nga - chiếm 16,6% tổng sản lượng hydrocarbon và 30% sản lượng khí đốt của công ty này. TotalEnergies sở hữu 49% cổ phần công ty Terneftegaz, vốn khai thác khí đốt từ mỏ Termokarstovoye. Trong khi đó, Novatek nắm giữ 51% cổ phần còn lại trong công ty Terneftegaz.
![]() |
![]() |
T.H