Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/8/2022
![]() |
Các chuyên gia cho biết, nhà máy của Nga đang đốt khoảng 4,34 triệu mét khối mỗi ngày. Ảnh minh họa: Reuters |
Ba Lan và Slovakia khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới
Ba Lan và Slovakia ngày 26/8 đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới nối hai quốc gia. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định đây là "đường ống dẫn khí mang tính chiến lược".
Đây là hệ thống đường ống dẫn khí đốt hai chiều với một đầu tại Đông Nam Ba Lan và đầu còn lại là trạm nén Velke Kapusany tại Đông Slovakia. Hệ thống đường ống mới sẽ cho phép đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Đường ống có tổng chiều dài 164km và do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính, được khởi công từ năm 2018. Công suất của hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới này ở nhiệt độ 20 độ C đạt 5,1 tỉ mét khối khí/năm theo chiều từ Ba Lan tới Slovakia và 6,1 tỉ mét khối nguyên liệu thô/năm theo chiều ngược lại.
Nhà máy ở Nga có thể đốt bỏ lượng khí đốt trị giá 10 triệu USD mỗi ngày
Theo BBC News, các chuyên gia cho biết một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới tại Portovaya nằm phía Tây Bắc thành phố St. Peterburg, gần biên giới với Phần Lan, đang đốt lượng khí đốt khoảng 4,34 triệu mét khối, ước tính trị giá lên đến 10 triệu USD mỗi ngày. Họ nói rằng trước đây lượng khí đốt này vốn được xuất khẩu sang Đức.
Một số chuyên gia cho rằng tập đoàn năng lượng Gazprom có thể đang vấp phải những thách thức kỹ thuật để xử lý khối lượng lớn khí đốt vốn được cung cấp cho đường ống Nord Stream 1. Thực trạng trên cũng có thể là kết quả của lệnh cấm vận thương mại của châu Âu với Nga. Gazprom hiện chưa đưa ra bình luận về vụ đốt bỏ khí gas trên.
Chuyên gia Sindre Knutsson tại công ty Rystad Energy nhận xét: “Mặc dù nguyên nhân chính xác của vụ việc chưa được xác định, nhưng khối lượng, lượng khí thải và vị trí của ngọn lửa chính là lời nhắc nhở rõ ràng về sự thống trị của Nga trong các thị trường năng lượng của châu Âu. Theo ông, đây chính là tín hiệu rõ ràng rằng Nga có thể giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng trong tức thì.
Ukraine có nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko ngày 25/8 cho biết nước này có nguy cơ phải đối mặt với mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại nhưng vẫn cần cố gắng đạt được mục tiêu tích trữ đủ 19 tỉ m3 khí đốt tự nhiên.
Ukraine đã từ bỏ nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga từ năm 2015 và hiện mua khí đốt từ các nước còn lại của châu Âu, nhưng giá cả tăng vọt và chi phí quá lớn cho cuộc xung đột đã gây lo ngại về tính khả thi của việc thiết lập một lượng nhiên liệu dự trữ lớn như vậy.
Bộ trưởng Galushchenko không tiết lộ khối lượng khí đốt đã dự trữ được hiện nay nhưng người đứng đầu công ty năng lượng quốc gia Naftogaz của Ukraine, ông Yuriy Vitrenko, đầu tháng này cho biết nước này đã tích trữ được hơn 12 tỉ m3 khí đốt. Hiện chưa rõ Ukraine sẽ bổ sung 7 tỉ m3 khí đốt như thế nào.
Tây Ban Nha thông qua sắc lệnh tiết kiệm năng lượng
Ngày 25/8, Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua sắc lệnh của chính phủ nước này về các quy định nhằm tiết kiệm năng lượng, trong khuôn khổ nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Sắc lệnh quy định các phương tiện công cộng, cửa hàng, văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim điều chỉnh điều hòa không khí ở mức nhiệt độ không thấp hơn 27 độ C những tháng nắng nóng nhất. Sắc lệnh cũng quy định điều chỉnh chế độ sưởi ấm vào mùa đông không cao hơn 19 độ C.
Cũng theo sắc lệnh, từ 22h hằng ngày, các cửa hàng phải tắt đèn chiếu sáng cửa sổ. Đến cuối tháng 9 tới, các tòa nhà có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi đều phải lắp đặt cửa đóng tự động để tránh lãng phí năng lượng.
Bắc Macedonia ban bố tình trạng khủng hoảng năng lượng
Ngày 25/8, Chính phủ Bắc Macedonia đã ban bố tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn cung năng lượng trên toàn quốc. Chính phủ Bắc Macedonia cũng thông báo tình trạng khủng hoảng nguồn cung năng lượng sưởi ấm ở thủ đô Skopje.
Chính phủ nêu rõ lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và kéo dài trong 30 ngày, do tình trạng thiếu điện và căng thẳng nguồn cung trên thị trường điện.
Cụ thể, từ ngày 1/9, Ủy ban Giám sát tình hình cung cấp điện và năng lượng sưởi sẽ theo dõi, phân tích và đánh giá tình hình thị trường điện và năng lượng sưởi ấm.
Indonesia xem xét tăng 40% giá nhiên liệu
Ngày 26/8, các nhà lập pháp thuộc liên minh cầm quyền tại Indonesia cho biết nước này có thể tăng giá nhiên liệu được nhà nước trợ cấp từ 30%-40% để giảm áp lực tài khóa do ngân sách dành cho các khoản trợ cấp đang tăng cao.
Trong bối cảnh giá dầu toàn cầu tăng và đồng nội tệ rupiah mất giá, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tăng ngân sách trợ cấp năng lượng năm 2022 gấp 3 lần lên 502.000 tỉ rupiah (33,90 tỉ USD), chiếm khoảng 16% tổng kế hoạch chi tiêu ngân sách.
Việc tăng giá nhiên liệu ước tính sẽ khiến tỉ lệ lạm phát năm 2022 của nước này tăng thêm khoảng 1,9%. Lạm phát trong tháng 7 là 4,94%, mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn thấp hơn nhiều nước tiên tiến mà nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách trợ cấp nhiên liệu của nước này.
Hàn Quốc ký thỏa thuận hơn 2 tỉ USD với công ty năng lượng hạt nhân Nga
Theo SCMP, hôm 25/8, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Nhà máy thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc, và ASE - công ty con của tập đoàn Nga đã ký hợp đồng trị giá 3 nghìn tỉ won (2,25 tỉ USD), bao gồm các thỏa thuận để Hàn Quốc cung cấp một số vật liệu và thiết bị nhất định và xây dựng tòa nhà turbine của nhà máy năng lượng hạt nhân ở Dabaa, Ai Cập.
Theo các quan chức Hàn Quốc, Mỹ đã được tham vấn trước về thỏa thuận và các công nghệ do Seoul cung cấp cho dự án sẽ không đụng độ với các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.
Việc tham gia vào dự án Dabaa là hoạt động xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân lớn nhất của Hàn Quốc kể từ năm 2009, khi họ giành được hợp đồng trị giá 20 tỉ USD để xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tập đoàn JERA của Nhật Bản ký hợp đồng mới mua LNG từ dự án Sakhalin-2
Ngày 26/8, người phát ngôn của JERA thông báo tập đoàn điện lực lớn nhất của Nhật Bản này đã ký hợp đồng với công ty điều hành dự án năng lượng Sakhalin-2 tại Nga nhằm duy trì việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong dài hạn.
Các công ty khí đốt và điện lực của Nhật Bản có hợp đồng dài hạn về mua LNG từ Sakhalin-2 đã nhận được hợp đồng mới. Các điều kiện chính bao gồm khối lượng, giá cả và loại tiền thanh toán vẫn giống như hợp đồng trước.
Dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga cung cấp khoảng 9% lượng nhập khẩu LNG của Nhật Bản và Tokyo coi đây là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Các doanh nghiệp khác của Nhật Bản vẫn đang xem xét có tiếp tục mua LNG từ dự án này hay không.
Thành phố nổi tiếng châu Âu muốn được miễn trừ lệnh trừng phạt Nga
Theo hãng tin Reuters, hội đồng thành phố The Hague ngày 25/8 đã vạch ra kế hoạch yêu cầu EU cho phép thành phố này tạm thời miễn trừ các lệnh trừng phạt chống Nga. Lý do là chính quyền thành phố đã tổ chức đấu thầu trên toàn EU vào tháng 6 và tháng 7 nhưng không tìm được nhà cung cấp khí đốt thay thế cho khí đốt Nga.
Theo các biện pháp trừng phạt của EU, được áp đặt để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tất cả các chính quyền và cơ quan công quyền trong liên minh phải chấm dứt hợp đồng hiện có của họ với các công ty Nga trước ngày 10/10.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu miễn trừ cho thỏa thuận hiện tại của chúng tôi cho đến ngày 1/1/2023 để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán”, Phó Thị trưởng The Hague, Saskia Bruines cho biết.
Deloitte nhận định kinh doanh năng lượng tạo khoản tiền thặng dư kỷ lục
Nghiên cứu mới của công ty tư vấn Deloitte nhận định biến động suốt 2 năm qua trên thị trường dầu khí đã giúp đẩy giá dầu lên mức cao nhất và dòng tiền cao kỷ lục.
Theo Deloitte, xu hướng tăng giá năng lượng sẽ còn kéo dài, nhờ đó hoạt động kinh doanh năng lượng toàn cầu sẽ tạo ra khoản thặng dư tiền mặt lên tới 1.500 tỉ USD vào năm 2030. Khoản tiền mặt trên nhiều khả năng sẽ giúp khởi động nền kinh tế carbon thấp, nâng thị phần đầu tư xanh của ngành năng lượng từ mức 5% hiện tại lên tới 30%.
Cũng theo Deloitte, thị phần tính theo khu vực đang chuyển sang các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ, với dòng tiền vào Trung Đông và châu Phi giảm từ hơn 50% trong giai đoạn 2010-2020 xuống còn 30% trong giai đoạn 2021-2022.
![]() |
![]() |
T.H