Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/10/2022
![]() |
Trạm tiếp nhận khí đốt TurkStream ở Kıyıköy tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria. Ảnh: IHA |
Pháp kêu gọi Đức đoàn kết để đảm bảo an ninh năng lượng cho EU
Theo AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/10 đã kêu gọi Đức thể hiện “tinh thần đoàn kết” với Liên minh châu Âu (EU) trước tình trạng giá năng lượng tăng cao, đồng thời cảnh báo kế hoạch trị giá nhiều tỷ euro của Berlin nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Đức có thể dẫn đến “những sự méo mó".
Tổng thống Macron bày tỏ: “Chúng ta không thể khăng khăng với các chính sách quốc gia, bởi vì chủ trương này gây ra những sự méo mó trong khuôn khổ lục địa châu Âu. Cũng như cuộc khủng hoảng Covid-19, đây là thời khắc của sự thật đối với châu Âu… Chúng ta phải hành động một cách thống nhất và đoàn kết”.
Hiện Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz bị cáo buộc “đánh lẻ” với kế hoạch hỗ trợ 200 tỷ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp của Đức trong bối cảnh gia năng lượng tăng cao. Một số đối tác của Đức trong EU đã gây áp lực buộc nước này chấp nhận sự đoàn kết hơn về tài chính.
Toàn bộ khí đốt qua Nord Stream có thể chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ
Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller ngày 16/10 cho biết có thể chuyển hướng dòng chảy khí đốt của hệ thống đường ống Nord Stream 1,2 qua một trung tâm cung ứng ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu như cơ sở hạ tầng thiết yếu được hoàn thành.
Trước đó, ngày 12/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm cung ứng khí đốt lớn nhất châu Âu và cho biết Moskva sẽ sẵn sàng triển khai ý tưởng này nếu EU quan tâm. Hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong ngày 13/10, Tổng thống Putin cho biết việc xây dựng mạng lưới đường ống thứ hai, bên cạnh hệ thống TurkStream, trung chuyển qua trung tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp hạ giá khí đốt cao ngất ngưởng và đưa thị trường ổn định trở lại.
Hệ thống TurkStream trị giá 11,5 tỷ USD có khả năng vận chuyển 31,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này được xây dựng để thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam ngừng xây dựng từ năm 2014 do các biện pháp trừng phạt của châu Âu.
Iran bắt đầu tiến hành lọc dầu thô tại Venezuela nhằm tăng doanh số
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji ngày 17/10 thông báo Iran đã bắt đầu lọc dầu thô tại Venezuela với công suất khoảng 100.000 thùng/ngày tại nhà máy El Palito. Hoạt động này là một phần trong những nỗ lực của Iran nhằm thiết lập vị trí trên bản đồ năng lượng toàn cầu và tăng doanh số bán dầu mỏ.
Ngành dầu mỏ của Venezuela đã bị thiệt hại nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trong bối cảnh cả Iran và Venezuela đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, hai bên đã nỗ lực hỗ trợ lẫn nhau nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt.
Hồi tháng 5, Công ty phân phối và lọc dầu quốc gia Iran (NIORDC) đã ký hợp đồng trị giá 116 triệu USD với Công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA để sửa chữa và mở rộng nhà máy lọc dầu El Palito. Hiện Iran cũng đã ký 2 hợp đồng xây dựng các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài.
Romania tăng tốc dự trữ nguồn nguyên liệu cho mùa đông
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và xung đột Ukraine-Nga vẫn tiếp tục gia tăng, thủ tướng Romania Nicolae Ciuca cho biết nước này đang tăng tốc chuẩn bị nguồn nguyên liệu. Theo báo cáo, kho chứa khí đốt của Romania đã đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 90%.
Thủ tướng Romania cho biết đã có thêm 477 triệu mét khối khí được lưu trữ so với năm ngoái. Điều này có nghĩa là người Romania sẽ có tạm đủ lượng khí đốt để vượt qua mùa đông này. Thủ tướng Romania cũng cho biết 50% trong số 55 triệu mét khối khí đốt tự nhiên phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong 1 ngày hiện đang được sản xuất trong nước. Phần còn lại được đảm bảo từ các nguồn dự trữ hiện có.
Ông Ciuca khuyến nghị các quốc gia EU nên đặt mục tiêu dự trữ khí đốt tối thiểu ở mức 85% từ ngày 1/11 và 90% bắt đầu từ năm 2023. Romania hiện đang nỗ lực triển khai các biện pháp dự trữ khí đốt để có thể hỗ trợ hoặc trở thành nhà cung cấp nhiên liệu cho các nước châu Âu khác. Romania đã hỗ trợ Moldova vượt qua giai đoạn khó khăn này và cho biết sẽ cung cấp khí đốt và điện cho Moldova.
Pháp nguy cơ bất ổn và biểu tình gia tăng vì khủng hoảng năng lượng
Một cuộc đình công trong ngành dầu khí kéo dài 3 tuần đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp nước Pháp. Hàng nghìn biểu tình giận dữ về chi phí sinh hoạt tăng cao tuần hành tại thủ đô Paris vào ngày 16/10. Biểu tình tiếp tục lan rộng, các tài xế xe tải đã thông báo ngừng hoạt động vào ngày 18/10 và nhiều người lao động thuộc các lĩnh vực khác bắt đầu tham gia.
Hiện khoảng 1/3 trạm xăng trên khắp nước Pháp gặp vấn đề về nguồn cung, đặc biệt là những trạm xung quanh thủ đô Paris và ở phía bắc. Nhiều công ty đã cắt giảm hoạt động đi lại và vận chuyển hàng, trong khi các phương tiện dịch vụ khẩn cấp cũng gặp khó vì tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
Tuần trước, chính phủ Pháp đã dùng đến quyền hạn khẩn cấp để buộc một số công nhân đình công tại các kho chứa xăng dầu, khí đốt quay trở lại làm việc để giải phóng nhiên liệu dự trữ.
Khủng hoảng năng lượng có thể kích động chủ nghĩa cực đoan ở Đức
Trả lời phỏng vấn báo Đức Bild am Sonntag, Thống đốc bang Bavaria của Đức Markus Soder ngày 16/10 cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức có thể khiến chủ nghĩa cực đoan gia tăng ở nước này và kêu gọi các đảng hợp tác nhiều hơn nữa để ngăn chặn.
Ông Sonntag cũng kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ngừng tranh cãi về việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Ông gợi ý Thủ tướng Đức nên giải quyết tranh chấp giữa hai bộ trưởng, lưu ý rằng nước này cần kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ít nhất đến năm 2024...
Bộ trưởng Habeck đề xuất kéo dài hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại cho đến tháng 3/2023 còn Bộ trưởng Lindner kêu gọi gia hạn hoạt động của cả 3 nhà máy cho đến năm 2024. Trước đó, Đức có kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Đầu năm nay, Berlin đã đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân.
Châu Âu vẫn âm thầm nhập khẩu năng lượng hạt nhân của Nga
Theo CNBC mới đây, ngành công nghiệp nhiên liệu hạt nhân của Nga hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu hơn 7 tháng sau cuộc xung đột ở Ukraine. Bất chấp 8 vòng trừng phạt và lời kêu gọi từ Ukraine áp đặt lệnh cấm vận đối với thương mại hạt nhân, các chuyến hàng nhiên liệu hạt nhân từ Nga đến các nước thành viên EU vẫn tiếp tục diễn ra.
Khi giới thiệu gói trừng phạt mới nhất của mình, Ủy ban châu Âu đã không đề xuất hạn chế hoạt động buôn bán nhiên liệu hạt nhân của Nga. Cơ quan này trước đây đã nhắm mục tiêu dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng áp lực kinh tế lên Điện Kremlin.
Một số lệnh cấm của EU đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga đang được áp dụng, chẳng hạn như lệnh cấm cập cảng đối với các tàu gắn cờ Nga để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân, nhưng vẫn có nhiều kẽ hở và một số người cho rằng cần có các biện pháp cứng rắn hơn để giảm sự phụ thuộc của EU vào Nga trong lĩnh vực hạt nhân.
Kuwait, Saudi Arabia ủng hộ quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+
Giám đốc điều hành Tập đoàn xăng dầu Kuwait (KPC) - ông Sheikh Nawaf al-Sabah - bày tỏ hoan nghênh quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia - Hoàng tử Khalid bin Salman - cùng ngày tuyên bố các quyết định của OPEC+ về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ được đưa ra một cách thống nhất và đơn thuần vì lý do kinh tế.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit ngày 14/10 đã lên tiếng ủng hộ Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Ông Aboul-Gheit cũng lên án chiến dịch truyền thông gay gắt được triển khai nhằm vào Riyadh sau quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+.
![]() |
![]() |
T.H (t/h)
-
VPI dự báo giá xăng dầu đảo chiều tăng 2,2 - 3,8% trong kỳ điều hành ngày 24/4
-
Tin tức kinh tế ngày 22/4: Lãi suất huy động tiếp tục giảm
-
Mỹ dự tính áp thuế lên tới 3.521% đối với pin năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm