Nhịp đập năng lượng ngày 8/7/2023
![]() |
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Việt Nam dẫn đầu việc hủy bỏ dự án nhiệt điện than toàn cầu năm 2023
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) cho thấy, Việt Nam đã hủy bỏ 9,6GW các dự án nhiệt điện than được đề xuất từ tháng 1-5/2023. Đây là lần hủy bỏ các nhà máy nhiệt điện than được đề xuất lớn nhất của một quốc gia trong năm nay.
Global Energy Monitor ước tính có khoảng 20-25GW công suất nhiệt điện than được đề xuất đã chính thức bị hủy bỏ, hoặc được cho là bị hủy bỏ ở các quốc gia ngoài Trung Quốc trong quý I/2023. Trong đó, mức giảm của Việt Nam chiếm gần một nửa công suất bị hủy bỏ và nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Lucy Hummer của Global Energy Monitor, Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng vẫn nên xem xét mọi lựa chọn có sẵn để chuyển từ than đá sang năng lượng sạch mà không lãng phí chi tiêu cho khí đốt, sinh khối hoặc amoniac.
Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng của nhiệt điện than trong sản xuất năng lượng nội địa dự kiến sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030 từ mức 1/3 hiện tại. Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đang có 25,9GW công suất điện than hoạt động. Công suất này được dự đoán sẽ đạt mức cao nhất là 30.127MW vào cuối thập kỷ này. Sau đó, Việt Nam sẽ giảm dần công suất theo mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá vào năm 2050.
Cung ứng điện trong các năm 2024-2025 vẫn còn nhiều khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Công Thương ngày 7/7, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết, cân đối cung cầu cho thấy tình hình cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024-2025, ở khu vực miền Bắc.
Nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, EVN sẽ đề xuất các giải pháp trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, đảm bảo độ khả dụng của tổ máy, cần đẩy nhanh các dự án để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền); đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố. Bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy; thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích cực triển khai xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp.
14 dự án năng lượng tái tạo đã phát được 95,7 triệu kWh điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 7/7, 14 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 686,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án này đạt khoảng 95,7 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Đến nay, có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW đã gửi hồ sơ cho công ty mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 59 dự án (tổng công suất 3.211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án, trong đó có 55 dự án với tổng công suất 3.052,01MW được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Theo EVN, 20 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất 882,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Cắt giảm sản lượng có thể khiến tình trạng thiếu dầu thêm nghiêm trọng
Thể hiện sự đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) bất chấp sức ép chính trị từ Mỹ đòi tăng sản lượng, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nhấn mạnh thị trường năng lượng sẽ không bị "bỏ mặc" và chính sách sản lượng được công bố ngày 4/6 là nỗ lực rất lớn để mọi người có thể thấu hiểu các nỗ lực của OPEC+.
Tuy nhiên, việc các nước xuất khẩu tìm cách nâng giá dầu cũng xung đột với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở các quốc gia phương Tây. "Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng, thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung vào cuối năm nay. Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng có thể khiến tình trạng thiếu dầu thêm nghiêm trọng và đẩy giá cao hơn mức chúng ta mong muốn", ông Vivek Dhar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và khai thác mỏ Australia, cho biết.
Quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và toàn diện là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Trong bối cảnh các diễn biến địa chính trị ngày càng khó lường, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, OPEC đang thể hiện nỗ lực hướng tới một tương lai bền vững hơn và bảo đảm nguồn cung năng lượng đáng tin cậy bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này.
Xuất khẩu dầu khí Nga tăng mạnh nhưng doanh thu giảm sâu
Nga đang gia tăng khối lượng xuất khẩu dầu khí với những đơn hàng lớn đi khắp nơi trên thế giới, mặc dù vậy Moskva lại không nhận được khoản lợi nhuận tương xứng.
Theo thông tin Bộ Tài chính Nga công bố hôm 5/7/2023, thu ngân sách của Nga từ hoạt động xuất khẩu dầu khí trong tháng 6/2023 đã giảm xuống chỉ còn 5,8 tỷ USD (tương đương 528,6 tỷ rúp theo tỷ giá hối đoái hiện tại). Chỉ số này thấp hơn tới 26,4% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Đầu tuần này, giới chức Moskva đã cho biết rằng giá trung bình đối với dầu thô Ural - loại dầu hàng đầu và có giá cao nhất của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023 là 52,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá trung bình của dầu thô Ural tại thời điểm năm ngoái là 84,09 USD/thùng.
![]() |
![]() |
H.T (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 24/4: Một ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất trở lại
-
Giá vàng trong thời gian tới sẽ ra sao?
-
Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh cùng loạt ưu đãi hấp dẫn từ Agribank
-
Mỹ bắt đầu Chương trình cho thuê thềm lục địa khai thác dầu khí
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/4: Trung Quốc quay lại mua dầu thô Nga