Nga tái cấu trúc ảnh hưởng toàn cầu qua công nghệ hạt nhân
![]() |
Mặc dù đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt từ phương Tây, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom vẫn tiếp tục triển khai các dự án hạt nhân ở nước ngoài. Ảnh AFP |
Nhờ chiến lược đa dạng hóa hiệu quả, tập đoàn này góp phần quan trọng vào việc duy trì nguồn thu cho nền kinh tế Nga.
Từ tháng 2 năm 2022, khi xung đột tại Ukraina nổ ra, các lệnh trừng phạt từ phương Tây chủ yếu nhắm đến lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, trong khi ngành năng lượng hạt nhân, do Rosatom kiểm soát, phần lớn không bị ảnh hưởng. Tận dụng thực tế này, Rosatom đã tiếp tục ký kết và phát triển nhiều dự án hạt nhân quy mô lớn trên toàn cầu, đồng thời duy trì xuất khẩu uranium làm giàu sang phương Tây - một nghịch lý kinh tế nổi bật trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Mở rộng dự án hạt nhân toàn cầu
Tại châu Phi, Rosatom đang triển khai nhiều dự án chiến lược. Tại Ai Cập, việc xây dựng bốn lò phản ứng VVER-1200 thuộc nhà máy điện hạt nhân El Dabaa vẫn đang tiến hành đúng tiến độ từ tháng 7 năm 2022. Tại Mali, tập đoàn này đã ký một loạt thỏa thuận với chính quyền vào tháng 7 năm 2024 nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mô-đun công suất thấp (SMR). Algeria cũng tăng cường hợp tác với Rosatom từ tháng 3 năm 2023 thông qua quan hệ đối tác giữa Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Algeria (COMENA) và tập đoàn Nga.
Châu Á cũng là trọng tâm chiến lược của Rosatom, đặc biệt là với Trung Quốc, nơi việc xây dựng lò phản ứng Xudapu-4 đã bắt đầu từ tháng 5 năm 2022. Tại Ấn Độ, Rosatom tiếp tục hợp tác trong dự án nhà máy điện hạt nhân Kudankulam. Việt Nam dự kiến sẽ khởi động lại chương trình điện hạt nhân quy mô lớn từ năm 2025 với sự hỗ trợ của Rosatom, sau nhiều năm tạm dừng.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Bolivia tiếp tục củng cố quan hệ với Rosatom thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Hạt nhân (CIDTN) tại El Alto - đã đi vào hoạt động một phần từ năm 2022 và dự kiến hoàn thiện hoàn toàn vào năm 2025.
Tại châu Âu, Hungary vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Rosatom, cho thấy rằng hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự vẫn được duy trì, bất chấp các hạn chế chính trị và kinh tế.
Duy trì chiến lược xuất khẩu uranium làm giàu
Song song với mạng lưới dự án toàn cầu, Rosatom vẫn đảm bảo nguồn cung uranium ổn định cho các nước phương Tây. Tại Hoa Kỳ, dù đang trong lộ trình cấm nhập khẩu hoàn toàn vào năm 2028, việc nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga vẫn đang được thực hiện theo giấy phép đặc biệt. Ví dụ, Tenex - công ty con của Rosatom đã giao 100 tấn uranium làm giàu tới cảng Baltimore vào tháng 2 năm 2025.
Tại châu Âu, lượng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga của Liên minh châu Âu đã gần như tăng gấp đôi trong giai đoạn 2022-2023, từ 314 tấn lên 573 tấn. Riêng Đức đã tăng nhập khẩu thêm 70% trong cùng kỳ, phản ánh mức độ phụ thuộc gia tăng, bất chấp nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Thách thức nội bộ và duy trì năng lực cạnh tranh
Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, Rosatom vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong nội bộ, đặc biệt là về vấn đề nhân lực. Để đảm bảo tiến độ mở rộng toàn cầu và các dự án hiện tại, tập đoàn này cần tuyển thêm khoảng 350.000 nhân viên mới từ nay đến năm 2030. Dù đã đầu tư đáng kể vào đào tạo và liên kết quốc tế với 20 chương trình học thuật tại 13 quốc gia - Rosatom vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút đủ sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Rosatom đang đầu tư mạnh vào việc cải thiện điều kiện sống tại 31 “thành phố hạt nhân” truyền thống ở Nga. Những địa phương từng bị cô lập này hiện được hưởng các chương trình nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và hạ tầng thiết yếu, nhằm giữ chân đội ngũ lao động then chốt trong dài hạn.
Thực tế trên cho thấy, Rosatom vẫn có khả năng tiếp tục mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, bất chấp các rào cản chính trị và kinh tế. Ngành năng lượng hạt nhân nhờ vị thế chiến lược đặc biệt - đang chứng minh khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt truyền thống, củng cố vai trò then chốt trong nền kinh tế Nga.
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP