Mỹ muốn đầu tư 1.000 tỷ USD vào Ả Rập Xê Út giữa lúc căng thẳng leo thang

09:28 | 14/05/2025

162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Ả Rập Xê Út ngày 13/5, bắt đầu chuyến thăm vùng Vịnh trong 4 ngày từ ngày 13-16/5, với mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Mỹ với các đối tác vùng Vịnh, thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza và đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran.
Mỹ muốn đầu tư 1.000 tỷ USD vào Ả Rập Xê Út giữa lúc căng thẳng leo thang
Ông Donald Trump và Hoàng tử Mohammed bin Salman, ngày 13 tháng 5 năm 2025. Ảnh AP/Alex Brandon

Chuyến công du của ông Trump tới ba quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Đông, trong bối cảnh khu vực vẫn đang đối mặt với các cuộc xung đột ngày càng leo thang, đặc biệt là xung đột tại Gaza.

Bất chấp bối cảnh địa chính trị phức tạp, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Ả Rập Xê Út, với mục tiêu thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư quy mô lớn trị giá 1.000 tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược tại Mỹ, đặc biệt là năng lượng.

Đáng chú ý, kế hoạch này được Thái tử Mohammed bin Salman cam kết hỗ trợ bước đầu với con số lên tới 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, chuyến đi được lên lịch trong thời điểm khá nhạy cảm, khi tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel đang rơi vào bế tắc do xung đột leo thang tại Gaza.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ tạm thời “đóng băng”

Theo các nguồn tin ngoại giao được Reuters trích dẫn, chiến sự ở Gaza hiện là trở ngại lớn nhất khiến đối thoại giữa Riyadh và Tel Aviv bị đình trệ. Ả Rập Xê Út yêu cầu phải có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức làm điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, nhưng lập trường này không nhận được sự chấp thuận từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhất là khi đề cập đến việc công nhận Nhà nước Palestine.

Trước đây, các Thỏa thuận Abraham từng đặt nền móng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và nhiều nước Ả Rập, nhưng trong bối cảnh hiện tại, cả hai phía đều tạm gác kế hoạch này. Thay vào đó, họ chuyển trọng tâm sang hợp tác kinh tế và quốc phòng. Thái tử bin Salman cũng nhấn mạnh, chỉ khi chiến sự chấm dứt và có một lộ trình rõ ràng tiến tới giải pháp hai nhà nước thì Riyadh mới sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.

Chuyển hướng sang hợp tác kinh tế và quốc phòng

Các cuộc thảo luận trước chuyến đi của ông Trump hiện đang tập trung vào một số lĩnh vực mang tính dài hạn và chiến lược như quốc phòng, trí tuệ nhân tạo và các siêu dự án hạ tầng. Một điểm nhấn khác là việc hai bên xem xét nối lại đàm phán về một thỏa thuận an ninh Mỹ–Ả Rập Xê Út. Thay vì một hiệp ước chính thức như trước đây, thỏa thuận mới được thiết kế theo hướng linh hoạt hơn, mang tính cam kết chiến lược giữa hai bên.

Ngoài ra, một thỏa thuận hợp tác dân sự về hạt nhân cũng đang được đưa lên bàn nghị sự. Theo tiết lộ từ ba nguồn tin ngoại giao, mục tiêu là giúp Riyadh phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Quốc hội Mỹ.

Chính quyền Trump tin rằng những cam kết đầu tư lớn này sẽ giúp Mỹ củng cố vị thế tại Trung Đông, đồng thời tạo đối trọng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, Ả Rập Xê Út kêu gọi Mỹ nới lỏng quy định đầu tư

Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong các kế hoạch phát triển dài hạn của Ả Rập Xê Út, đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình Tầm nhìn 2030. Bắc Kinh không chỉ đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng, hạ tầng và năng lượng tái tạo, mà còn góp phần định hình lại cán cân ảnh hưởng tại Trung Đông.

Trước sức ép cạnh tranh rõ rệt này, Riyadh muốn tận dụng chuyến thăm sắp tới của ông Donald Trump để thúc đẩy Mỹ nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài. Các quan chức Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ kêu gọi Washington xây dựng khung pháp lý cởi mở hơn, tạo điều kiện cho dòng vốn từ vùng Vịnh đổ vào Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh thu hút dòng tiền về châu Á.

Dấu ấn từ chuyến thăm năm 2017

Chuyến đi lần này của ông Trump khiến nhiều người nhớ lại chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông hồi năm 2017, khi ông công bố khoản cam kết hợp tác kinh tế lên tới 350 tỷ USD giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út. Theo chuyên gia Robert Mogielnicki thuộc Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập (AGSIW), mục tiêu hiện tại là “tối đa hóa lợi ích kinh tế và ngoại giao, nhưng không làm tổn thương những vấn đề nhạy cảm trong khu vực”.

Một điểm đáng chú ý: Trong chuyến đi này, ông Trump sẽ không ghé thăm Israel. Theo hai nguồn tin ngoại giao, việc ông không nhắc lại đề xuất gây tranh cãi về tái định cư người dân Gaza cũng được xem là một động thái có tính toán, nhằm tránh làm gián đoạn các cuộc thảo luận sắp tới với Riyadh.

Nguyên nhân nào khiến Ả Rập Xê Út tăng xuất khẩu dầu thô từ tháng 5?Nguyên nhân nào khiến Ả Rập Xê Út tăng xuất khẩu dầu thô từ tháng 5?
Ả Rập Xê Út tăng giá dầu tháng 6 tại thị trường châu ÁẢ Rập Xê Út tăng giá dầu tháng 6 tại thị trường châu Á
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có tác động gì đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có tác động gì đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Nh.Thạch

AFP