Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
![]() |
Ngành dầu khí Mỹ giữa kỳ vọng và lo ngại dưới thời ông Trump. Hình minh họa |
Tín hiệu chưa như kỳ vọng
Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu, một số phát ngôn và chính sách ưu tiên của ông Trump đã khiến một bộ phận trong ngành cảm thấy băn khoăn. Đặc biệt, ông nhiều lần đề cao lợi ích của giá dầu thấp – thậm chí có quan chức cho rằng ngành có thể hoạt động hiệu quả với mức giá 50 USD/thùng – khiến các công ty khai thác dầu đá phiến, vốn cần mức giá cao hơn để đạt lợi nhuận, cảm thấy lo ngại.
Tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston hồi tháng trước, ông Trump nhận được nhiều sự hưởng ứng khi cam kết hỗ trợ ngành năng lượng, đặc biệt là LNG. Tuy nhiên, một số đại biểu tham dự cũng bày tỏ quan tâm đến chính sách thuế quan – yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, và gây áp lực lên giá cả. Nhưng diễn biến này được cho là chưa hoàn toàn phù hợp với định hướng “thống trị năng lượng” mà ông từng nhấn mạnh trước đây.
Mâu thuẫn giữa hai mục tiêu
Một thách thức lớn mà ông Trump – cũng như bất kỳ chính quyền nào – phải đối mặt là làm sao cân bằng giữa việc gia tăng sản lượng trong nước và duy trì giá năng lượng ở mức thấp để bảo vệ người tiêu dùng. Trong bối cảnh lạm phát còn hiện hữu, việc ưu tiên ổn định giá xăng dầu là điều dễ hiểu. Tuy vậy, thị trường năng lượng không thể được điều chỉnh đơn giản bằng các quyết định hành chính.
Mặc dù chính quyền liên bang có quyền quyết định cho thuê đất công để khai thác, nhưng khu vực này chỉ đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ. Phần lớn sản lượng đến từ các doanh nghiệp tư nhân, và họ đang hành động thận trọng hơn kể từ sau đại dịch COVID-19.
Hiện nay, các công ty dầu khí – đặc biệt là trong lĩnh vực dầu đá phiến – đang tập trung vào việc cân bằng tài chính, trả nợ và duy trì dòng tiền ổn định thay vì mở rộng đầu tư quy mô lớn. Các nhà đầu tư Phố Wall cũng ủng hộ chiến lược này, dẫn tới xu hướng khai thác dè dặt hơn.
Giá dầu – yếu tố then chốt
Giá dầu vẫn là một trong những yếu tố quyết định đến mức độ sôi động của hoạt động khai thác. Theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Dallas, giá dầu WTI cần đạt khoảng 65 USD/thùng để việc khoan giếng mới trở nên khả thi về mặt kinh tế. Hiện giá dầu WTI dao động quanh mức 63 USD/thùng – dù đã cải thiện so với mức 57 USD sau quyết định tạm hoãn áp thuế trả đũa trong 90 ngày – nhưng vẫn chưa đủ để tạo động lực cho một đợt đầu tư lớn.
Dù ngành dầu đá phiến đã đạt nhiều tiến bộ về hiệu quả trong thập kỷ qua, nhưng với mức giá hiện tại, việc tăng sản lượng không còn là ưu tiên hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp đang chọn cách vận hành ổn định và có kiểm soát, thay vì dựa vào các kỳ vọng chính trị chưa chắc chắn.
Ảnh hưởng từ động thái mới của OPEC+
Ngành dầu khí Mỹ đang đối mặt với một diễn biến mới trên thị trường: OPEC+ vừa công bố kế hoạch nâng sản lượng sau thời gian dài siết chặt nguồn cung. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 5, OPEC+ sẽ tăng thêm 411.000 thùng dầu mỗi ngày. Quyết định này được đưa ra vào ngày 3/4, trong bối cảnh một số nước thành viên như Kazakhstan và Iraq đã nhiều lần khai thác vượt hạn ngạch, gây ảnh hưởng đáng kể tới các nhà khai thác dầu ngoài khối, bao gồm cả Mỹ.
Động thái tăng sản lượng của OPEC+ khiến thị trường liên tưởng đến các chiến lược đã từng được áp dụng: Gây áp lực để kiểm tra sức bền của ngành dầu khí Mỹ. Trong bối cảnh sản lượng khai thác của Mỹ được dự báo sẽ chững lại trong năm nay, việc OPEC+ tăng nguồn cung đúng lúc giá dầu có dấu hiệu hạ nhiệt có thể tạo thêm áp lực lên các nhà khai thác của Mỹ.
Lịch sử thị trường từng chứng kiến các giai đoạn giá dầu biến động mạnh sau khi OPEC quyết định thay đổi chính sách sản lượng, điển hình là năm 1997 khi trùng với khủng hoảng tài chính châu Á, hay năm 2014 khi thị phần dầu đá phiến Mỹ mở rộng đáng kể. Hiện chưa rõ liệu OPEC+ có tái lập các chiến lược tương tự, nhưng việc tăng sản lượng lần này rõ ràng đang là yếu tố cần theo dõi sát.
Chiến lược ứng phó của doanh nghiệp Mỹ
Trước diễn biến mới, các công ty dầu khí Mỹ được dự báo sẽ chuyển hướng kinh doanh thận trọng hơn: Hoãn kế hoạch khoan mới, cắt giảm đầu tư, giảm số lượng giàn khoan hoạt động và siết chặt chi phí. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tới các tập đoàn lớn, mà còn kéo theo hệ lụy cho ngành dịch vụ dầu khí và nhiều cộng đồng địa phương sống dựa vào ngành này.
Mặc dù chính quyền Mỹ có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ nhất định, nhưng việc điều tiết một thị trường có tính biến động cao như dầu mỏ thế giới luôn nằm ngoài khả năng kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào.
Nh.Thạch
AFP
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
-
Thái Lan gia nhập nhóm các nước muốn tăng nhập khẩu LNG của Mỹ để tránh thuế quan