Hướng đến thể chế hiện đại, minh bạch và thực tiễn
![]() |
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. |
Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tăng tự chủ, giảm thủ tục
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.
Luật gồm 8 chương, 59 điều, kế thừa các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà áp dụng với cả doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, tổ chức tín dụng chính sách, tổ chức chính trị – xã hội có đầu tư vốn vào doanh nghiệp.
Điểm mới nổi bật là tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong phê duyệt chiến lược, kế hoạch kinh doanh, quyết định đầu tư và phân phối thu nhập. Đồng thời, nâng mức trích tối đa vào Quỹ đầu tư phát triển từ 30% lên 50% lợi nhuận sau thuế.
Luật cắt giảm 30% thủ tục so với luật cũ, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu. Ngoài ra, bổ sung các quy định cụ thể về cơ cấu lại vốn, giám sát đầu tư, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.
Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Ưu đãi mạnh mẽ, tài chính linh hoạt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật sửa đổi tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng; ưu đãi và hỗ trợ tài chính; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Luật bổ sung 19 điều, sửa đổi 1 điều trong Luật năm 2010. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng; hoàn thiện quy định về mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng; thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tạo cơ chế tài chính linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các dự án liên quan.
Về phân cấp, Luật trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh công bố danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; phân quyền cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng ban hành danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.
Luật cũng cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp chứng nhận dán nhãn và kiểm toán năng lượng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Luật Nhà giáo: Lương cao nhất hệ thống, lần đầu công nhận nhà giáo ngoài công lập
Giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Luật được thông qua với tỷ lệ tán thành 94,35%, Luật Nhà giáo lần đầu tiên đặt nền móng pháp lý toàn diện cho đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên cả nước. Gồm 9 chương, 42 điều, Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.
Điểm nổi bật nhất là quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, cùng với nhiều hỗ trợ về vùng khó khăn, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Đáng chú ý, luật lần đầu công nhận nhà giáo ngoài công lập là người hành nghề hợp pháp, có chuyên môn và được bảo đảm quyền, nghĩa vụ nghề nghiệp. Các quy định mới cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của nhà giáo trong chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Luật Việc làm: Linh hoạt, thực chất, thúc đẩy thị trường lao động
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Luật có hiệu lực từ 1/1/2026, áp dụng cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động.
Luật mở rộng diện thụ hưởng chính sách, khuyến khích phát triển kỹ năng nghề, số hóa dịch vụ việc làm, xây dựng sàn giao dịch việc làm quốc gia và khuyến khích cả khu vực công – tư cùng phát triển.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được cải cách sâu, theo hướng linh hoạt hơn, bao phủ rộng hơn và hỗ trợ hiệu quả hơn cho người lao động học nghề, tìm việc và duy trì việc làm.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Mở rộng đối tượng, điều chỉnh thuế suất theo lộ trình
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật tập trung điều tiết tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận |
Nước giải khát có đường trên 5g/100ml, xe bán tải, điều hòa công suất lớn là những đối tượng mới được đưa vào diện chịu thuế. Lộ trình tăng thuế suất với rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có đường được thiết kế theo từng giai đoạn đến năm 2031.
Luật cũng bổ sung quy định về giá tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và cải cách thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng tính minh bạch trong thực thi.
Luật sửa đổi Luật Quảng cáo: Siết chặt quảng cáo trên mạng và xuyên biên giới
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gồm 23 điều sửa đổi và thêm mới 1 điều (15a), có hiệu lực từ 1/1/2026. Lần đầu tiên, luật quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của người chuyên tải quảng cáo - đối tượng mới trong không gian số.
Luật bổ sung quy định riêng cho quảng cáo trên mạng, bao gồm yêu cầu rõ ràng về nhận diện quảng cáo, cho phép người dùng tắt quảng cáo không mong muốn và trách nhiệm kiểm soát nội dung của nền tảng số.
Nội dung quảng cáo cũng phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt với sản phẩm đặc thù như thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế…
Luật Hóa chất: Hiện đại, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt hóa chất nguy hiểm
Giới thiệu về Luật Hóa chất (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật với 99,32% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ 1/1/2026, sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất năm 2007. Luật định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành nền tảng hiện đại, xanh và bền vững.
Lần đầu tiên, luật yêu cầu công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm tới người tiêu dùng, đồng thời quy định khoảng cách an toàn, kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và phân quyền mạnh cho địa phương trong quản lý.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Ưu đãi có mục tiêu, thúc đẩy công nghệ cao
Luật gồm 4 chương, 20 điều, có hiệu lực từ 1/10/2025, bổ sung nhiều đối tượng chịu thuế như doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh nền tảng số, thu nhập từ tín chỉ các-bon, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số...
Đáng chú ý, Luật bổ sung hai mức thuế suất mới 15% và 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng mức trích Quỹ phát triển khoa học - công nghệ lên 20%. Đồng thời, ưu đãi có chọn lọc cho ngành công nghệ cao, bán dẫn, trung tâm dữ liệu…
Luật Ngân sách Nhà nước: Tăng phân cấp, nâng cao trách nhiệm và minh bạch
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật có 7 chương, 79 điều, có hiệu lực từ năm ngân sách 2026. Với mục tiêu phát triển giai đoạn 2026-2030, luật tăng quyền chủ động cho địa phương, đồng thời đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Một số điểm mới: nâng mức dự phòng tài chính lên 5%, phân quyền mạnh cho HĐND cấp tỉnh, Thủ tướng, tăng công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lập và quyết toán ngân sách.
Việc công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 đạo luật lần này cho thấy quyết tâm cao của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng thể chế đồng bộ, thực chất và sát thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và cải cách nền hành chính quốc gia trong thời kỳ mới.
Huy Tùng
-
Đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
-
Hướng đến thể chế hiện đại, minh bạch và thực tiễn
-
Tin tức kinh tế ngày 10/7: Thu hút FDI chạm mốc cao nhất từ 2009 đến nay
-
Techcombank Investment Summit 2025: “Việt Nam mới – Tầm nhìn kiến tạo giá trị”
-
Giá xăng dầu đồng loạt tăng trở lại từ 15h ngày 10/7