Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện

18:58 | 16/04/2025

30 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, tại không gian nghệ thuật MONG Art (04 Galaxy 1, số 69 Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội), triển lãm “Feelings” (Cảm xúc) của họa sĩ Nguyễn Hòa đã thu hút sự quan tâm đông đảo của giới thưởng ngoạn.
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa: Feelings là bản hòa tấu với những tầng lớp cảm xúc khác nhau, được ấp ủ, tích tụ và phát tiết trong suốt thời gian vừa qua.

Triển lãm “Feelings” là lần trưng bày nghệ thuật đầu tiên của họa sĩ và là một trong những triển lãm hiếm hoi thuộc thể loại trừu tượng. Họa sĩ Nguyễn Hòa chia sẻ: “Feelings là bản hòa tấu với những tầng lớp cảm xúc khác nhau, được ấp ủ, tích tụ và phát tiết trong suốt thời gian vừa qua. Hội họa trừu tượng giúp tôi tìm thấy bản thể của chính mình và giải tỏa được nguồn cảm xúc hỗn hợp, đôi khi đem lại sự phấn khích cao độ. Sự dẫn dắt mê hoặc của đường nét và sắc màu là vô tận, nó không có sự khởi đầu hay kết thúc, nó luôn chuyển động và tiếp diễn”.

Chỉ riêng khái niệm cảm xúc đã là trừu tượng. Khi vừa bước chân vào triển lãm, người xem đã bị ngợp bởi những khuông màu táo bạo. Đấy là những cảm xúc của xuân hạ thu đông, mạnh mẽ, dữ dội, đầy kịch tính như cuồng phong vũ bão, khi lãng mạn, nhẹ nhàng bay bổng và tràn đầy nhạc tính như một bản giao hưởng trữ tình, là buồn vui, là những mâu thuẫn nội tại giằng xé, là đam mê, là dục vọng, là tận cùng của sự thăng hoa và khát vọng tự do.

Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Triển lãm “Feelings” (Cảm xúc) của họa sĩ Nguyễn Hòa đã thu hút sự quan tâm đông đảo của giới thưởng ngoạn.

“Feelings” giới thiệu 50 tác phẩm hội họa theo trường phái trừu tượng biểu hiện, phản ánh thế giới nội tâm của tác giả. Họa sĩ Nguyễn Hòa cho biết, đi vào trường phái này là họa sĩ đã tự làm khó chính mình vì đây tuy là xu hướng không xa lạ ở nhiều quốc gia hội họa phát triển nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam, chỉ những người nào thực sự yêu và hiểu hội họa, thậm chí là phải am hiểu trường phái trừu tượng biểu hiện mới có thể cảm nhận. Khác với những trường phái hiện thực, biểu hiện... tranh ở thể loại này thường không có chủ thể hay hiện tượng cụ thể, nên sẽ khó cảm nhận hơn. Như vậy, họa sĩ đã tự thu hẹp đối tượng công chúng của mình, tuy nhiên Nguyễn Hòa cho rằng ở tuổi này mình nên dành sự ưu tiên nhiều hơn để theo đuổi điều đam mê. Với họa sĩ Nguyễn Hòa, trường phái trừu tượng biểu hiện thực sự là một cuộc tung hứng màu sắc để thể hiện cảm xúc. Trong các tác phẩm của anh, dù chưa cần thật sự am hiểu nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, sự lãng mạn, chất thơ và cả âm nhạc trong đó. Có những tác phẩm được họa sĩ lấy cảm hứng ca từ và giai điệu của nhạc sĩ Phạm Duy để minh họa bằng những mảng màu, hình khối.

Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
“Feelings” giới thiệu 50 tác phẩm hội họa theo trường phái trừu tượng biểu hiện, phản ánh thế giới nội tâm của tác giả.

“Mỗi người đến triển lãm đều mang cảm xúc và trải nghiệm khác nhau. Chưa cần biết nội dung cảm xúc của nghệ sĩ thế nào, tranh cần phải đẹp và bắt mắt để gây ấn tượng ban đầu, thông qua màu sắc, bố cục... hay bất cứ điều gì khiến họ rung động, tò mò và thích thú. Nhưng đây cũng là rung động của từng người. Có người thấy bức này ấn tượng, có người rung cảm trước bức khác, hoặc không. Nếu đặt vào tranh một tâm trạng giằng xé, kịch tính, tôi sẽ dùng những đường nét mạnh mẽ và dứt khoát. Hay nếu là sự lãng mạn, hân hoan thì đường nét sẽ bay bổng và nhẹ nhàng hơn”, anh chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp vào năm 2001, có nhiều năm gắn bó với thiết kế đồ họa và tất nhiên hội họa với họa sĩ Nguyễn Hòa là niềm đam mê từ thuở thiếu thời. Tại phòng trưng bày này, họa sĩ cũng giới thiệu những tác phẩm anh vẽ từ năm 12 tuổi là chân dung Bác Hồ và Lê Nin với trường phái tả thực. Sau 20 năm gián đoạn với hội họa, Nguyễn Hòa quay trở lại với màu sắc và thăng hoa trong một cảm xúc đáng kinh ngạc.

Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Sau 20 năm gián đoạn với hội họa, Nguyễn Hòa quay trở lại với màu sắc và thăng hoa trong một cảm xúc đáng kinh ngạc.

Một khán giả khi nghe tin về triển lãm đã đi một quãng đường rất xa đến tham dự chỉ vì yêu thích tranh trừu tượng. Chị cho biết: “Bút pháp của Nguyễn Hòa dữ dội và vô cùng mãnh liệt. Phá bỏ mọi quy tắc và dường như giải phóng hết năng lượng của người nghệ sĩ”.

Họa sĩ Nguyễn Hiển cũng nhận xét rằng: “Xem tranh của Nguyễn Hòa hoàn toàn có thể cảm nhận một mối liên hệ rất mạnh mẽ giữa cá tính hội họa của anh với âm nhạc. Các nét cọ dày, mạnh và bất quy tắc giống như những giai điệu phá cách đầy cảm xúc. Có thể so sánh với âm thanh của saxophone trong nhạc jazz khi nghệ sĩ đang ở cao trào cảm xúc. Nó sẵn sàng phá vỡ cấu trúc truyền thống để thể hiện nội tâm người nghệ sĩ. Nếu quan sát kỹ thì từng lớp màu và hướng đi của nét cọ trong tranh Nguyễn Hòa như được sắp xếp để tạo nên một giai điệu thị giác. Nó không phải là sự ngẫu nhiên mà giống như dòng chảy của đời người. Có giai đoạn êm đềm tĩnh lặng. Có giai đoạn cồn cào mạnh mẽ. Có những lúc khủng hoảng, bức bối rồi thức tỉnh. Có cả những lúc bâng quơ như vô thức... Tất cả đã tạo ra ấn tượng mạnh về cảm xúc nhưng lại rất đằm triết lý nhân sinh”.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Feelings” của họa sĩ Nguyễn Hòa:

Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện

Hải Anh