Giới buôn bán dầu mỏ lao đao vì thị trường đầy biến động

09:22 | 23/04/2025

66 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây không lâu, các nhà giao dịch dầu vẫn còn than phiền vì thị trường quá êm ả, giá dầu đi ngang suốt nhiều tuần khiến họ gần như không thể kiếm lời. Thế nhưng, chỉ sau hơn hai tuần, thị trường đã đảo chiều hoàn toàn. Sự bình yên trở thành điều xa xỉ khi cơn bão biến động ập tới, dữ dội hơn những gì họ dự báo.
Giới buôn bán dầu mỏ lao đao vì thị trường đầy biến động
Giới buôn bán dầu mỏ lao đao vì thị trường đầy biến động. Hình minh họa

Tất cả bắt đầu từ ngày 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố loạt thuế quan mới, khiến căng thẳng thương mại toàn cầu bùng phát trở lại. Chỉ chưa đầy 24 giờ sau, OPEC+ khiến thị trường sốc nặng khi tuyên bố sẽ tăng sản lượng sớm hơn dự kiến. Hai cú sốc liên tiếp khiến giá dầu thô Mỹ lao dốc gần 7% – mức giảm mạnh nhất kể từ thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022. Đồng thời, chỉ số đo biến động giá dầu cũng bật tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.

Tưởng rằng biến động sẽ mở ra cơ hội kiếm lời, nhưng thực tế không dễ như vậy. Giới giao dịch cho biết thị trường hiện tại quá hỗn loạn, thông tin thì dồn dập và trái chiều, khiến giá lên xuống chóng mặt và rất khó đoán.

“Đây không phải kiểu biến động có thể dùng để xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn”, George Cultraro, Giám đốc phụ trách hàng hóa toàn cầu tại Bank of America, nhận định. “Một mức thuế hôm nay là 25%, ngày mai có thể bị giảm xuống 10%, 5%, thậm chí bị hoãn vô thời hạn. Mọi thứ thay đổi quá nhanh khiến việc định giá và quản lý rủi ro trở nên cực kỳ khó khăn”, ông nói thêm.

Brent Belote, Giám đốc đầu tư tại quỹ Cayler Capital, là một trong những người từng chờ đợi sự trở lại của biến động. Thị trường đầu năm quá ảm đạm đến mức ông buộc phải chuyển sang giao dịch ở các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khi cơn sóng biến động thật sự ập tới, ông Belote lại trở tay không kịp. Một số khoản đầu tư của ông chịu lỗ đáng kể.

Dù biến động có thể khiến khối lượng giao dịch tăng lên trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó lại đe dọa tính thanh khoản – yếu tố sống còn của thị trường.

Theo chuyên gia phân tích Tracey Allen của JPMorgan Chase, trong tuần kết thúc ngày 11/4, nhà đầu tư đã rút tới 2 tỷ USD khỏi các thị trường dầu thô và nhiên liệu. Khối lượng giao dịch toàn bộ chuỗi hợp đồng tương lai cũng rơi về mức thấp như hồi cuối tháng 3. Số hợp đồng mở của dầu WTI sụt giảm mạnh sau khi tăng vọt lúc đầu, khi nhà đầu tư quyết định đứng ngoài thay vì liều lĩnh dự đoán bước đi tiếp theo của ông Trump.

“Biến động kiểu này thường không tốt cho thị trường. Chênh lệch giá mua – bán bị kéo giãn, khối lượng giao dịch giảm vì nhà đầu tư thu hẹp hoạt động. Điều đó tạo ra một vòng xoáy tiêu cực, khiến biến động càng dữ dội hơn, buộc các quỹ giao dịch phải cắt giảm vị thế dựa trên mức độ dao động”, Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia cấp cao tại Marex, nhận định.

Xung đột thương mại leo thang: Nhà đầu tư buộc phải “quay xe” chỉ sau vài ngày

Diễn biến nhanh như chớp của cuộc chiến thương mại toàn cầu đang khiến giới đầu tư chao đảo. Chỉ trong vài ngày, nhiều nhà giao dịch buộc phải thay đổi hoàn toàn góc nhìn và chiến lược đầu tư của họ.

Theo dữ liệu từ sàn ICE Futures Europe, trong tuần kết thúc ngày 8/4, các quỹ đầu tư dầu Brent đã “quay xe” với tốc độ nhanh chưa từng có. Cùng thời điểm đó, theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), lượng vị thế mua dài hạn trên dầu WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 – một cú đảo chiều hoàn toàn so với mức cao nhất chỉ mới vài tuần trước.

Nguyên nhân của sự thay đổi chóng mặt này là do loạt động thái bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông tạm hoãn tăng thuế thêm 90 ngày với hàng hóa từ hàng chục quốc gia, đồng thời mạnh tay nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%. Sự bất ổn này khiến thị trường rơi vào trạng thái “mất phương hướng”.

Trong bối cảnh khó mà đặt cược trực tiếp vào giá dầu tăng hay giảm, nhiều nhà giao dịch chuyển sang chiến lược ít rủi ro hơn: Đánh cược vào chênh lệch giá (spread). Tuần qua, số lượng vị thế spread trên dầu WTI được mở ra nhiều nhất kể từ năm 2007, còn với dầu Brent là mức tăng mạnh nhất từ năm 2020 đến nay.

Không chỉ nhà đầu tư, các doanh nghiệp sử dụng dầu cũng bắt đầu hành động để phòng ngừa rủi ro. Các nhà môi giới hoán đổi (swap dealers) – thường đại diện cho khách hàng công nghiệp – đã mua vào lượng lớn hợp đồng Brent trên sàn ICE. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy nhiều công ty đang tìm cách “khóa giá” nhiên liệu trước nguy cơ giá dầu tăng mạnh trong tương lai.

Thêm vào đó, một khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh vì yếu tố cơ bản như thuế quan, làn sóng bán tháo có thể bị khuếch đại bởi các yếu tố kỹ thuật – như biến động trên thị trường hay hành động của các quỹ đầu tư theo xu hướng.

Theo dữ liệu từ Bridgeton Research Group, chỉ trong 5 ngày sau khi thông tin tăng thuế được công bố, các quỹ giao dịch theo thuật toán (CTA) đã chuyển từ trạng thái mua sang bán 100% đối với dầu WTI. Điều đáng nói là trước đó, họ còn khá lạc quan, bắt đầu tăng mua từ cuối tháng 3. Bridgeton nhận định đây là cú “đảo chiều” mạnh nhất kể từ sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank hồi năm 2023.

Thời điểm SVB sụp đổ cũng từng tạo ra những biến động lớn trên thị trường dầu, khi giá dầu thô sụt gần 20% rồi bật tăng lại tới 40% – mang về không ít cơ hội cho các nhà đầu tư.

John Kilduff, đối tác tại quỹ Again Capital, chia sẻ: “Độ khó của thị trường đã được nâng lên tầm cao mới, nếu bạn thích cảm giác mạnh và hỗn loạn, thì đây chính là sân chơi của bạn”.

Xung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giớiXung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giới

Nh.Thạch

AFP