Điện đi trước một bước, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế phía Nam
Cho công nghiệp “cất cánh”
Khu vực 21 tỉnh, thành phố phía Nam có nhiều địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương có tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ cao như Long An, Cần Thơ, Kiên Giang…
Về phát triển công nghiệp, Bình Dương luôn đứng “top” đầu trong cả nước. Được tái lập từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 khu công nghệ cao với tổng diện tích hơn 13.600 ha.
Ông Nguyễn Trường Thi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Việc đảm bảo cung ứng điện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp Bình Dương thu hút nguồn vốn từ các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến và sản xuất. Cũng nhờ đó, Bình Dương trở thành một trong 4 điểm thu hút đầu tư lớn của cả nước. Nếu như năm 2010, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh Bình Dương đạt 5,28 tỷ kWh thì đến năm 2024, con số này là 16,7 tỷ kWh, đứng thứ ba trong cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đánh giá rất cao về chất lượng điện năng, thái độ phục vụ và dịch vụ khách hàng của ngành Điện.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhu cầu điện cho sản xuất công nghiệp cũng đã được đáp ứng với mức tăng trưởng cao. Ông Thòng Coóc Hứng - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Thiên Long cho biết: “Với chúng tôi, việc đảm bảo điện ổn định rất quan trọng, nhất là ở các quy trình pha chế mực hoặc pha chế keo cần duy trì nguồn điện 24/24. Thực tế trong thời gian qua, nguồn điện đã được đảm bảo duy trì ổn định, chất lượng; rất hiếm khi xảy ra mất điện và nếu có đều được Công ty Điện lực báo trước và xử lý cấp điện trở lại rất nhanh”.
Theo ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc EVNSPC, thành phần phụ tải công nghiệp hiện chiếm tỷ trọng trên 60% cơ cấu phụ tải của EVNSPC. Để đáp ứng nhu cầu điện rất lớn đó, cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện, Tổng công ty cũng không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ điện, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hướng tới điện tử hóa 100% toàn bộ quy trình kinh doanh theo lộ trình chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sự nỗ lực không ngừng này đã giúp tạo niềm tin đối với các doanh nghiệp nói riêng và khách hàng sử dụng điện nói chung tại 21 tỉnh, thành phía Nam.
Cùng với phát triển công nghiệp, điện lưới quốc gia cũng tạo nền tảng, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ - “ngành công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ. Nhờ có nguồn điện an toàn, chất lượng, liên tục, du lịch trên các đảo đã thực sự “cất cánh”. Không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mà điện còn là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư với các dự án du lịch quy mô lớn, đã “đánh thức” đảo ngọc Phú Quốc, Côn Đảo, Hòn Tre... vươn mình mạnh mẽ. Thậm chí, những hòn đảo hoang sơ như đảo Hải Tặc (Kiên Giang) trước đây vốn không ai dám đến, nay cũng đã trở thành địa điểm quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống trên các đảo cũng phát triển mạnh khi lượng du khách không ngừng tăng cao.
Điện về cho đất nở hoa…
![]() |
Chong đèn cho thanh long |
Cùng với phát triển công nghiệp, trong hơn 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của EVNSPC đã liên tục đạt 2 con số, nhiều năm tăng trên 20%. Điện ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Những vườn thanh long xanh tốt ở Bình Thuận, những trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng, hay những vụ mùa bội thu tại các “vựa lúa” An Giang, Đồng Tháp,… là một số ví dụ điển hình về sự đóng góp to lớn của EVNSPC.
Từ năm 1997, người nông dân ở Bình Thuận đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long, do điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến cây lúa và các loại hoa màu khác không thể cho năng suất cao. Bước “chuyển mình” ấy sẽ không thành công nếu như không có sự đóng góp của kỹ thuật chong đèn cho thanh long trái vụ, giúp cải thiện năng suất cũng như chất lượng của quả thanh long. Trước thời điểm đó, điện chỉ đủ dùng cho sinh hoạt là chủ yếu. Điện lưới quốc gia đã mở ra một giai đoạn mới cho nghề trồng thanh long không chỉ tại Bình Thuận. Cây thanh long cũng đã và đang giúp làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở các Tiền Giang, Long An...
Để đáp ứng nhu cầu điện cho chong đèn thanh long, EVNSPC và các Công ty Điện lực địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều đường dây và trạm biến áp 110kV, đồng thời mở rộng tăng cường lưới 22kV, nâng công suất các trạm biến áp phân phối... Nhưng lưới điện vẫn đứng trước nguy cơ quá tải cục bộ, do diện tích trồng thanh long phát triển vượt quy hoạch. Để giảm áp lực đầu tư cho ngành Điện, đồng thời giảm chi phí tiền điện cho bà con nông dân, Tổng công ty đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện cho chong thanh long. Trong giai đoạn 2014 - 2016, EVNSPC đã hỗ trợ đổi trên 2 triệu bóng đèn tại các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, với tổng chi phí hỗ trợ trên 17,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp các hộ nông dân tiết kiệm được hơn 82 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
Ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại rau, quả, hoa, trà, cà phê,... Đây cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 1.000 trang trại, nhiều liên hiệp hợp tác xã, hàng loạt thương hiệu nông sản Đà Lạt và Lâm Đồng ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đóng góp vào kết quả này, không thể không nhắc tới của ngành Điện lực trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục.
“Điểm tựa” cho những vựa tôm cá
![]() |
Các hộ nuôi tôm tại các tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn được đầu tư xây mới, cải tạo hệ thống lưới điện |
Với tiềm năng phát triển thủy sản rất lớn, các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… là những tỉnh được ví như “vựa tôm, vựa cá” của cả nước. Trước đây, khi hạ tầng lưới điện còn thiếu, các hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi tôm phải dùng máy nổ diesel để vận hành giàn quạt sục ô xy cho nuôi tôm, chi phí khá tốn kém.
Từ những năm 2015 đến nay, nhu cầu về điện năng cung cấp cho nuôi trồng thủy sản tăng rất cao. Đơn cử, giai đoạn 2015-2017, công suất phụ tải tăng bình quân 9,55%, từ 7.780 MW (năm 2015) lên 9.529 MW (năm 2017) với tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm 10,8%. Trước yêu cầu này, EVNSPC đã nỗ lực cân đối, thu xếp nguồn vốn khổng lồ (vốn tự có, vốn vay) để đầu tư xây mới, cải tạo hệ thống lưới điện tại các tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn.
Cùng với đó, để giải bài toán tiết kiệm điện, EVNSPC đã triển khai Đề án: “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018”. Giai đoạn 1 của Đề án triển khai thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2017. Giải pháp tiết kiệm điện được lựa chọn áp dụng là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và giàn quạt tạo ô xy nuôi tôm để tiết kiệm điện. EVNSPC đã phân phát gối đỡ trục cho 161 hộ thí điểm với 1.386/1.807 giàn quạt tại đây. Sau 1 vụ, sử dụng gối đỡ con lăn và kết hợp cả đồng bộ trục động cơ và trục quạt đã giúp tiết kiệm trên 1/3 lượng điện tiêu thụ so với trước đó. Giai đoạn 2017-2018, EVNSPC đã nhân rộng kết quả ra toàn vùng, đồng thời triển khai mới Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu suất thiết bị điện cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng”, tập trung vào vận động sử dụng các loại động cơ hiệu suất cao thay thế động cơ cũ, tiết kiệm thêm 8 - 10% tiêu thụ điện.
Ông Châu Minh Lý - chủ hộ dân nuôi tôm mô hình lớn ở Đầm Dơi, Cà Mau cho biết: “Hệ thống điện đóng vai trò rất quan trọng, giống như nước đầu nguồn vào, phải có điện để bơm qua tất cả các tầng ao, trong mỗi ao đều có hệ thống bơm nước tạo hoạt động oxy đều cần có điện. Thời gian qua, công tác đảm bảo điện đã được ngành Điện thực hiện rất tốt, việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình tiết kiệm điện cũng giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình tôi thuận lợi hơn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Cùng với nỗ lực đầu tư, đảm bảo cung cấp điện; đẩy mạnh các mô hình sản xuất tiết kiệm điện, EVNSPC đang khảo sát, nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt trong nuôi tôm góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực…
Có thể khẳng định, điện đã luôn được EVNSPC đảm bảo “đi trước một bước” để tạo nên những đổi thay căn bản, sức bật mạnh mẽ của kinh tế - xã hội của 21 tỉnh thành miền Nam. Đây cũng chính là thành quả rất đáng tự hào của các thế hệ người làm điện miền Nam trên hành trình nửa thế kỷ dựng xây, phát triển…
P.V
-
Điện đi trước một bước, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế phía Nam
-
EVNNPT: Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định là mục tiêu cao nhất
-
Bộ Công Thương: Cần sớm chuẩn hóa thiết kế mỏ khai khoáng
-
TKV phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động - Tháng Công nhân năm 2025
-
50 năm đại thắng mùa Xuân 1975: Khát vọng tiếp bước và trách nhiệm thế hệ hôm nay