Đại biểu Quốc hội đề xuất giữ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả
Lo ngại tính răn đe suy giảm
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM không đồng tình với đề xuất bãi bỏ án tử hình đối với các tội tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Đại biểu cho rằng việc loại bỏ án tử hình đối với tội sản xuất thuốc giả là “phản logic”, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm ngày càng liều lĩnh, coi thường sức khỏe và tính mạng người dân để trục lợi.
![]() |
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) |
Đại biểu Lan nhấn mạnh: “Sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng hay sữa giả là tội ác gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những đối tượng vi phạm đều nhận thức rõ hậu quả, nhưng vẫn cố tình thực hiện vì lợi ích cá nhân”. Dẫn chứng từ thực tiễn quản lý, đâị biểu Lan cho biết, lực lượng chức năng ngày càng gặp khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm do phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Theo đại biểu Lan, việc bãi bỏ án tử hình trong trường hợp này không chỉ đi ngược với nguyên tắc bảo vệ quyền con người, mà còn tạo ra sự bất công với thân nhân các nạn nhân tử vong vì thuốc giả và gây tổn thương sâu sắc đối với cộng đồng. “Chúng ta có thể từng bước giảm mức án tử hình, nhưng vẫn cần giữ ‘chốt chặn cuối cùng’ với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng”, đại biểu Lan nói.
Đại biểu Lan cũng đề xuất mở rộng hình phạt tử hình cho cả hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa giả - những sản phẩm thường phục vụ nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Nhiều đại biểu cùng quan điểm
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nhận định: “Mức phạt từ 20 năm tù đến chung thân khi làm chết từ hai người là chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội”. Theo bà, không nên áp dụng các mức án nhân đạo với loại tội phạm này, mà ngược lại cần tăng nặng để đảm bảo tính răn đe. “Nếu hậu quả chỉ cần có người chết thì phải xem xét áp dụng mức án cao nhất”, bà đề xuất.
![]() |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) |
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) bổ sung rằng, tác dụng lớn nhất của án tử hình không chỉ nằm ở việc trừng phạt, mà quan trọng hơn là để ngăn chặn, răn đe hành vi phạm tội. Ông Nghĩa dẫn chứng: “Nhiều người sợ bị tử hình, thậm chí sợ tù chung thân nên không dám ra tay. Đó là giá trị thực tế của hình phạt tử hình trong luật pháp”.
Theo ông Nghĩa, việc bãi bỏ tử hình ở một số quốc gia là do tình hình tội phạm của họ không nghiêm trọng như ở Việt Nam. Do đó, áp dụng theo xu hướng này một cách máy móc là “chưa phù hợp với thực tiễn”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất “tù chung thân không xét giảm án”, cho rằng điều này sẽ tạo gánh nặng dài hạn cho Nhà nước và vô tình xóa bỏ cơ hội hoàn lương cho phạm nhân. “Chính sách này không có tác dụng tích cực đối với phạm nhân và gia đình họ”, ông nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách hình sự ổn định, có tính tiên lượng cao để không làm giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp. “Không nên sửa đi sửa lại liên tục các quy định pháp luật hình sự, điều này sẽ tạo ra tâm lý bất ổn trong xã hội”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vào ngày 25/6 tới. Trước đó, những tranh luận xoay quanh việc giữ hay bỏ án tử hình đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sản xuất thuốc giả, tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ các đại biểu cũng như dư luận xã hội. Đây không chỉ là câu chuyện pháp lý mà còn liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân.
Huy Tùng
-
Hố tử thần “nuốt chửng” người và xe ở Bắc Kạn: Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân
-
Tù chung thân không giảm án có thực sự nhân đạo hơn tử hình?
-
Áp dụng bộ đề lý thuyết mới trong thi sát hạch lái xe từ 1/6
-
Đào tạo quản trị du lịch và khách sạn cao cấp Thụy Sĩ trên địa bàn TP HCM
-
Đại biểu Quốc hội đề xuất giữ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả