Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/NB |
Người dân ngày càng hài lòng hơn với dịch vụ công
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là hai công cụ quan trọng giúp đánh giá hiệu quả, tác động và chất lượng cải cách hành chính tại địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Năm 2024 đánh dấu năm thứ 8 Bộ Nội vụ triển khai đo lường SIPAS. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 36.525 người dân tại 195 đơn vị cấp huyện, 385 đơn vị cấp xã và hơn 1.100 thôn, bản, tổ dân phố. SIPAS 2024 không chỉ đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công, mà còn ghi nhận sự phản hồi về quá trình xây dựng, thực thi chính sách công.
Kết quả cho thấy: Chỉ số hài lòng trung bình đạt 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023.
Các địa phương có kết quả cao nhất gồm: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ số SIPAS của thành phố Hải Phòng đạt 90,59%, tăng 1,69% so với năm 2023 và tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng, lần đầu tiên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng.
Các địa phương có mức hài lòng thấp nhất gồm: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Trong nội dung đánh giá chính sách công, mức độ hài lòng chung đạt 83,84%, tăng 1,35% so với năm trước. Người dân bày tỏ sự hài lòng cao nhất với kết quả và tác động của chính sách (84,07%), trong khi mức độ hài lòng thấp nhất là về cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện chính sách (83,21%).
Đối với dịch vụ hành chính công, mức độ hài lòng trung bình đạt 84,09%, với các yếu tố được đánh giá cao nhất gồm: thái độ công chức (84,29%), thủ tục hành chính (84,23%) và tiếp cận dịch vụ (84,27%).
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng tham gia góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến còn thấp. Chỉ 9,53% số người được khảo sát sẵn sàng góp ý qua mạng; cá biệt có địa phương chỉ đạt 1,24%.
Điểm đáng chú ý là 90,06% người dân khẳng định không gặp phải hiện tượng phiền hà, sách nhiễu từ công chức, phản ánh xu hướng tích cực trong tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức.
Người dân mong đợi nhiều nhất ở ba nội dung: nâng cao năng lực giải quyết công việc của cán bộ công chức (66,56%), cải thiện thái độ phục vụ (63,10%) và tăng tính công khai, minh bạch (59,42%).
Người dân đặc biệt đánh giá cao năng lực giải quyết công việc, thái độ phục vụ của cán bộ công chức và tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính Hải Phòng. Đây là minh chứng cho việc lấy người dân làm trung tâm, chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ".
Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh
Năm 2024 là năm thứ 13 Bộ Nội vụ triển khai Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index), với nhiều cải tiến trong tiêu chí và phương pháp đánh giá. Tổng cộng, hơn 85.600 phiếu khảo sát đã được thu thập, bao gồm ý kiến từ cả người dân và cán bộ công chức.
![]() |
Một góc thành phố Hải Phòng/Ảnh minh họa |
Kết quả cho thấy: Chỉ số trung bình toàn quốc đạt 88,37%, cao nhất từ trước tới nay, tăng 1,39% so với năm 2023. 63/63 địa phương đạt trên 80%, trong đó có 13 địa phương đạt trên 90%.
Hải Phòng tiếp tục dẫn đầu với 96,17%, tăng 4,3% và 1 bậc so với năm 2023; cao hơn 7,8% so với trung bình chung cả nước. Đặc biệt, với chỉ số thành phần cao như: công tác chỉ đạo điều hành (đạt tỷ lệ 100% so với điểm tối đa, tăng 12% so với năm 2023); công tác cải cách thể chế (đạt tỷ lệ 98% so với điểm tối đa, tăng 1% so với năm 2023); công tác cải cách thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 100% so với điểm tối đa, tăng 5% so với năm 2023); công tác cải cách chế độ công vụ (đạt tỷ lệ 96% so với điểm tối đa, tăng 8% so với năm 2023); công tác cải cách tài chính công (đạt tỷ lệ 98% so với điểm tối đa, tăng 2% so với năm 2023) chính là yếu tố quan trọng giúp Hải Phòng dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính năm 2024.
Các địa phương xếp sau là: Bà Rịa - Vũng Tàu (93,35%), Hà Nội (92,75%), Quảng Ninh (91,49%) và Thái Nguyên (91,47%).
Cao Bằng xếp cuối bảng với 82,95%, tuy nhiên vẫn cao hơn địa phương đứng cuối năm 2023 là An Giang (81,32%).
Hải Phòng được ghi nhận không chỉ ở kết quả cải cách mà còn là địa phương đầu tiên duy trì tăng trưởng GRDP hai con số suốt 10 năm liên tiếp, thu hút FDI vượt 4,7 tỷ USD. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gây ấn tượng mạnh khi miễn học phí phổ thông và đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong 10 năm qua (11,72%).
Kết quả của SIPAS và PAR Index 2024 cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng phục vụ thay vì chỉ quản lý. Những chuyển biến trong hành động, thái độ, và kết quả thực tiễn đã từng bước thay đổi hình ảnh của bộ máy hành chính nhà nước, theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và gần dân hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức, đặc biệt là trong việc khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý kiến qua các kênh trực tuyến và tăng cường vai trò giám sát xã hội.
Kết quả năm 2024 không chỉ là bức tranh phản ánh thực trạng cải cách hành chính mà còn là kim chỉ nam cho các địa phương tiếp tục hoàn thiện, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân.
Huy Tùng
-
Khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng
-
Thông xe 20km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Bước đột phá trong kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
-
[Chùm ảnh] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á
-
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Bình Dương