Ảnh hưởng của Mỹ với dầu mỏ Iran đang suy yếu
![]() |
Hình minh hoạ về tác động của lệnh trừng phạt Mỹ lên Iran |
Tuyên bố này tiếp tục củng cố cách tiếp cận “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhằm buộc Tehran thay đổi chính sách.
Thông báo ngắn gọn này đặt ra nhiều nghi vấn hơn là câu trả lời. Phần thứ hai của tuyên bố – cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Mỹ – vượt xa phạm vi thông thường của các biện pháp trừng phạt thứ cấp, thường ít gây xáo trộn đối với kinh tế và thương mại toàn cầu.
Ý nghĩa của tuyên bố với thị trường dầu mỏ và dòng chảy thương mại quốc tế
Nếu được thực thi đúng như tuyên bố, các biện pháp này sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đối với thương mại toàn cầu và làm suy giảm hoạt động kinh tế – nhưng có lẽ đó không phải là thông điệp mà Tổng thống Trump muốn gửi đi. Thay vào đó, tuyên bố này có thể được xem là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang mất kiên nhẫn trước việc dòng chảy dầu từ Iran sang Trung Quốc hầu như không bị gián đoạn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi ông đang tìm cách gia tăng sức ép tối đa lên Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại song phương mới.
Ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Trump đã ban hành bản Ghi nhớ An ninh Quốc gia Tổng thống (NSPM-2), phát động chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Tehran với mục tiêu “đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0, bao gồm cả xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc”. Theo dữ liệu từ Vortexa, khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu của Iran – trung bình gần 1,5 triệu thùng/ngày từ đầu năm đến nay – đã được chuyển đến Trung Quốc.
Kể từ đó, chính quyền Trump đã thực hiện nhiều hành động nhằm hỗ trợ NSPM-2, bao gồm việc trừng phạt một nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc, các tàu vận chuyển dầu Iran tới lực lượng Houthi ở Yemen, và các cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động trao đổi dầu của Iran. Tuy nhiên, những biện pháp có phần dè dặt này đã không đủ để tạo chuyển biến đáng kể trong kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Rất có thể, ông Trump đang tỏ ra thất vọng trước tiến độ chậm chạp này và muốn gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để buộc họ ngừng nhập dầu từ Iran.
Điều này phụ thuộc vào mốc thời gian được chọn để xác định các quốc gia đã mua dầu từ Iran. Theo dữ liệu từ Vortexa, trong vòng ba tháng qua, đã có 10 quốc gia nhận các lô hàng dầu và/hoặc sản phẩm hóa dầu từ Iran. Phần lớn (81%) được mua bởi Trung Quốc, nhưng cũng có những khối lượng nhỏ được chuyển đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Pakistan, Yemen, Singapore, Malaysia, Bangladesh, Sudan và Oman.
Nếu xét theo khung thời gian 12 tháng, còn có nhiều quốc gia khác như Syria và Thái Lan cũng đã nhận các lô hàng từ Iran. Tuy nhiên, trong vòng một tuần qua, chỉ có Trung Quốc, Singapore và UAE là những nước tiếp tục nhập khẩu.
Vì vậy, câu trả lời phụ thuộc vào việc chọn khoảng thời gian nào để xác định các quốc gia nằm trong diện có thể bị áp lệnh trừng phạt mới, nếu hiểu tuyên bố của ông Trump theo nghĩa đen (điều mà bài phân tích không khuyến nghị).
Đâu là sự khác biệt giữa việc áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với người mua dầu Iran và việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với các quốc gia mua dầu đó?
Hậu quả kinh tế sẽ hạn chế hơn nhiều nếu chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp theo cách hiểu truyền thống, so với lệnh cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại.
Trừng phạt thứ cấp nhằm trừng phạt các bên thứ ba mua hàng hóa bị cấm (trong trường hợp này là dầu của Iran) nhưng không có liên hệ trực tiếp với Mỹ. Ví dụ, nếu các biện pháp này được áp dụng với người mua Ấn Độ, họ sẽ bị cấm làm ăn với Bộ Tài chính Mỹ và bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng đô la.
Ngược lại, việc ngăn chặn khách hàng mua dầu Iran giao thương với Mỹ “dưới bất kỳ hình thức nào” vượt xa lệnh trừng phạt thứ cấp thông thường – thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả khái niệm “thuế quan thứ cấp” mà ông Trump từng đưa ra, theo đó sẽ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia liên quan sang Mỹ.
Nếu hiểu theo nghĩa đen, kịch bản này sẽ ngăn chặn toàn bộ giao thương giữa Mỹ với các nước như Trung Quốc (kim ngạch 584 tỷ USD) hay Ấn Độ (129 tỷ USD) – điều có thể gây chấn động nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đây gần như chắc chắn không phải là điều mà ông Trump thực sự muốn truyền đạt. Dường như tuyên bố này chỉ là một động thái gây sức ép, nhằm khiến Trung Quốc giảm động lực mua dầu từ Iran.
Vì sao các biện pháp gây sức ép của ông Trump không thật sự đạt hiệu quả?
Phần lớn là do các biện pháp này có nhiều hạn chế về phạm vi, đồng thời mức độ răn đe từ các lệnh trừng phạt đã bị lu mờ bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ví dụ, Trung Quốc được cho là có hơn 100 nhà máy lọc dầu độc lập, việc chỉ trừng phạt một đơn vị nhỏ lẻ, trong khi các nhà máy lọc dầu quốc doanh lớn không bị ảnh hưởng, hoàn toàn không đủ để cắt giảm dòng chảy dầu từ Iran sang Trung Quốc.
Ngoài ra, các quan chức cấp chuyên viên tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ buộc phải thu thập bằng chứng xác đáng về hành vi vi phạm trước khi đề xuất áp đặt trừng phạt đối với tài sản và cá nhân liên quan. Gánh nặng chứng minh này là yếu tố quan trọng khiến số lượng, tần suất và quy mô các biện pháp trừng phạt của Mỹ bị hạn chế đáng kể.
Ở cấp độ địa kinh tế, cuộc chiến thương mại khốc liệt mà chính quyền Trump áp đặt lên Trung Quốc từ đầu tháng 4 – một cách nghịch lý – lại khiến Washington mất dần sức ảnh hưởng lên Bắc Kinh trong vấn đề Iran. Cuối cùng, mức thuế quan 145% đối với hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ đang tạo sức ép lớn lên nền kinh tế Trung Quốc so với các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Thêm vào đó, Trung Quốc không dễ tổn thương nếu bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD.
Từ góc nhìn này, Trung Quốc đã chịu “thiệt hại tối đa” từ thuế quan, vậy thì tại sao lại không tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm dầu giá rẻ từ Iran?
Liệu lập trường thay đổi của ông Trump có ảnh hưởng đến giá dầu?
Trừ khi ông Trump thực sự có ý định ngừng toàn bộ hoạt động thương mại với Trung Quốc và các quốc gia khác đang mua sản phẩm dầu mỏ của Iran, hoặc nếu Bắc Kinh bị răn đe và ngừng giao dịch dầu với Tehran, thì tuyên bố ngày hôm qua sẽ không đủ sức đẩy dầu Iran ra khỏi thị trường, cũng như không giúp duy trì giá dầu ở mức cao.
Trong trường hợp đó, ông Trump vẫn có những lựa chọn khác để gia tăng sức ép. Chẳng hạn, ông có thể ban hành thẩm quyền mới cho phép áp đặt trừng phạt mà không cần tiêu chuẩn chứng cứ nghiêm ngặt như hiện nay. Điều này có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn của Trung Quốc – một bước đi gây tổn thất lớn cho Bắc Kinh và có khả năng tạo tác động rõ rệt hơn.
Ngoài khuôn khổ trừng phạt, hướng đi của giá dầu trong ngắn hạn sẽ còn phụ thuộc vào:
-
Các điều chỉnh về nhu cầu tiêu thụ khi triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám.
-
Sản lượng dầu sẽ được đưa ra thị trường trong tháng 6 từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác – dự kiến có thêm tín hiệu rõ ràng vào cuối tuần này
-
Và liệu ông Trump sẽ chọn con đường ngoại giao hay đối đầu quân sự với Iran.
Israel là một yếu tố khó lường, bởi nước này có thể đơn phương tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran – một chiến lược hoàn toàn khác để loại bỏ dầu Iran khỏi thị trường.
Anh Thư
RT