Vì sao không nên tăng giờ làm thêm cho người lao động?

17:02 | 03/10/2019

1,129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến gần 100 đại biểu về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đáng chú ý là vấn đề mở rộng khung giờ làm thêm tối đa và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được nhiều đại biểu quan tâm góp ý.

Đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu, hầu hết các ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện tại bởi thực tế hiện nay ít có người lao động (NLĐ) trực tiếp sản xuất nào có đủ sức khỏe để làm việc đến độ tuổi nghỉ hưu. Thêm vào đó, doanh nghiệp đang có xu hướng hạn chế sử dụng lao động lớn tuổi.

vi sao khong nen tang gio lam them cho nguoi lao dong
Tăng giờ làm thêm có thể dẫn đến nhiều vấn đề như sức khỏe, an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Đồng thời việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội cho lực lượng lao động trẻ, vốn có năng lực và trình độ ngày càng cao, tạo ra sức ỳ cho lực lượng lao động.

Các đại biểu cho rằng, nếu buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu thì nên xem xét cẩn trọng và chỉ nên tăng ở một số ngành, nghề nhất định.

Về việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, các ý kiến nhận xét đề xuất này đi ngược với xu thế phát triển của xã hội.

Việc làm thêm nhiều giờ trong năm tuy góp phần cải thiện thu nhập vốn rất thấp của NLĐ, nhưng phát sinh nhiều hệ lụy về sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…, đồng thời tạo thêm kẽ hở để doanh nghiệp lách luật nhằm ép NLĐ làm việc quá sức.

Do đó, các đại biểu kiến nghị nên giữ nguyên khung giờ làm thêm tối đa như trong Bộ Luật Lao động năm 2012 - tối đa không quá 300 giờ/năm.

Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, tổ chức đại diện NLĐ, tranh chấp lao động, tiền lương… cũng được các đại biểu quan tâm góp ý.

Tùng Dương