Tin tức kinh tế ngày 23/07: Tiêm chủng vắc xin sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế
Tiêm chủng vắc xin sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế
Các chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm nay phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, quy mô tiêm chủng và các biện pháp chống dịch Covid-19 của chúng ta hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế vĩ mô Phạm Thế Anh, tốc độ bao phủ vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia có thể dẫn tới sự phân hóa về tăng trưởng trong thập niên tới.
![]() |
Các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm chủng là yếu tố quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế |
Trong quý 2, bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy những điểm sáng do sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Sự phục hồi ở các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức phụ thuộc vào tốc độ, tỷ lệ tiêm chủng trên diện rộng. Trung bình các nước Anh, Mỹ đạt 60% dân số đã tiêm vắc xin.
Chỉ số tăng trưởng chưa phản ánh hết những khó khăn tương lai. Nền kinh tế đang phải đối mặt với sự đình trệ trong các hoạt động giao thương, đầu tư thương mại, hàng hoá - ông Thế Anh nói.
Theo ông Thế Anh, Việt Nam đang đi sau về tốc độ cũng như tỷ lệ tiêm chủng vắc xin so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Điều này tạo không ít thách thức cho Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay.
“Tương lai của nền kinh tế phụ thuộc vào một chiến lược vắc xin rõ ràng và hiệu quả ngay từ bây giờ”, ông cảnh báo. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng sẽ còn chịu tác động từ cách phòng, chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp công bố hoàn thành kế hoạch năm
Chỉ trong 6 tháng, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh tăng đột phá, hoàn thành cả kế hoạch năm trước sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19
Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ - CRE (công ty của shark Hưng) vừa công bố hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm. Theo báo cáo tài chính, luỹ kế 6 tháng đầu năm của công ty đạt 3.685 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 80,6% so với nửa đầu năm 2020. Năm 2021, CRE đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 408 tỷ. Như vậy, so với kế hoạch đưa ra, CRE đã hoàn thành 74% mục tiêu doanh thu và 61,5% mục tiêu về lợi nhuận.
Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận – PNJ vừa công bố lãi sau thuế 736 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 300 tỷ so với cùng kỳ và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Everest – EVS cũng công bố báo cáo tài chính 6 tháng/2021 với doanh thu hoạt động đạt gần 378 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với nửa đầu năm ngoái, lợi nhuận trước thuế tăng gần 24 lần so với cùng kỳ. Được biết, EVS đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2021 là 238,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 81,2 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, doanh nghiệp này đã vượt mục tiêu cả năm với lần lượt 158% và 272%.
Cùng với EVS, công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt mới đây cũng công bố vượt 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Cổ phần Tập đoàn VsetGroup cũng công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu đạt 470 tỷ đồng, tăng 320 tỷ so với cùng kỳ và hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu cả năm. So với các doanh nghiệp trên, VsetGroup có thâm niên nhỏ hơn, tuy nhiên, kết quả đạt được phần nào cho thấy sự vươn mình mạnh mẽ của doanh nghiệp này và những thành tích đáng kể, giúp đứng vững trước ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 thời gian qua.
Giá xăng dầu quay đầu giảm
Giá xăng dầu trên thế giới hôm nay: Trong khi giá xăng dầu trong nước vẫn giữ mức tăng từ lần điều chỉnh trước thì trên thế giới lại biến động suốt cả tuần qua.
Tại phiên giao dịch ngày 23/7, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 giao dịch ở mức 71,79 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 được niêm yết ở mức 73,70 USD/thùng, giảm 0,09 USD/thùng trong phiên.
VN-Index giảm mạnh
Rổ cổ phiếu VN30 có tới 26 mã giảm giá, trong khi chỉ có 4 mã tăng giá. Các cổ phiếu họ Vingroup giảm mạnh tạo áp lực lớn lên chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, VRE giảm tới 4,3%, VHM giảm 3,1%, VIC giảm 2,1%. Các mã lớn khác như: HPG, GAS, MSN, KDH, MWG, PNJ... đều có mức giảm sâu. Nhóm VN30 có 4 mã tăng giá gồm: VNM, POW, STB và FPT.
Đà giảm cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm ngành này chỉ còn 3 mã tăng giá là LPB, MSB và STB. Mã SSB may mắn đứng ở mốc tham chiếu. Tất cả các mã còn lại đều giảm giá. Đặc biệt, cổ phiếu VAB sau 3 phiên tăng tới 64,5%, phiên hôm nay đã bất ngờ giảm 14,8% xuống giá sàn 20.100 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, các mã VPB, VIB, VCB, NVB, EIB, CTG, ACB đều có mức giảm hơn 3%. Các mã BID, MBB, SHB, TPB giảm hơn 2%.
Tương tự ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã trụ cột trong nhóm này như: SSI, SHS, VND, VDS, MBS, HCM... đều có mức giảm sâu.
Nhóm ngành dầu khí cũng ghi nhận những diễn biến tiêu cực khi hàng loạt mã cổ phiếu đều ở chiều giảm giá. Cụ thể, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS, BSR có mức giảm từ 1,1 - 3,9%.
Khối ngoại vẫn tiếp đà bán ròng từ phiên hôm qua (22/7). Cụ thể, khối ngoại bán ròng hơn 204 tỷ đồng trên HOSE, trong khi chỉ mua ròng 17,52 tỷ đồng trên UPCOM và hơn 14 tỷ đồng trên HNX. Với đà lao dốc cuối phiên hôm nay (23/7), VN-Index dường như xóa bỏ hết các nỗ lực tăng điểm trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 24,84 điểm xuống mốc 1.268,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 582,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 19.330 tỷ đồng Sàn HOSE ghi nhận 282 mã giảm giá, 97 mã tăng giá và 38 mã đứng giá.
Lượng hàng hóa tại các siêu thị tăng gấp 3 lần
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan vừa cho biết, lượng hàng hoá thiết yếu, thực phẩm tươi sống... cung ứng cho thành phố rất dồi dào, không lo thiếu hàng.
Tại siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail) đã tăng nguồn cung, trong đó riêng thực phẩm tươi sống tăng gấp đôi lượng hàng, còn thực phẩm khô tăng 30% so với ngày thường.
Hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cũng tăng 200-400% lượng hàng thực phẩm tươi sống, 120-130% hàng thực phẩm khô. Việc tăng hàng cho các siêu thị của Aeon tại Hà Nội được chủ động từ cách đây một tuần.
Theo đại diện Công ty TNHH Aeon Việt Nam, bộ phận thu mua đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng nguồn hàng trong tình huống khẩn cấp hơn. Aeon cũng tăng diện tích kho chứa, hàng đông lạnh và hàng tươi cấp đông...
Tương tự, Vinmart/Vinmart+ cũng tăng gấp ba hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo hàng trên kệ không bị trống.
Hiện nhiều địa phương đang yêu cầu các tài xế vận chuyển hàng hoá phải xét nghiệm Covid-19, thời gian mỗi nơi đưa ra khác nhau dù yêu cầu chung của Bộ Y tế là 72 giờ.Hơn nữa, vấn đề lưu thông hàng hóa trong khâu vận chuyển, mỗi địa phương chỉ đạo khác nhau dẫn đến khó khăn cả trong công tác xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển...
Trước đó, Hà Nội đã có chỉ đạo tạo "luồng xanh" cho vận chuyển hàng mùa dịch. Trên cơ sở này, Sở Công Thương tập hợp, lên danh sách các điểm bán hàng phân phối, xe chở vận chuyển hàng thiết yếu của doanh nghiệp. Danh sách được chuyển sang Sở Giao thông Vận tải, để cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển, nhằm đưa hàng từ vùng sản xuất tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đảm bảo lưu thông thông suốt
M.C
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới