Tin tức kinh tế ngày 19/07: Hà Nội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 42%
Hà Nội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 42%
Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; những định hướng lớn phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Thanh Hải) |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế xã hội thì hiện nay TP đang đứng trước những thách thức rất lớn. Trong đó, lớn nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng; hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, cũng như vị thế của Hà Nội là trung tâm liên kết Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đó còn là sự quá tải dịch vụ công thiết yếu; việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường...
Từ những thách thức nói trên, TP Hà Nội đã nêu 9 nhóm đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nhằm tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các nhiệm vụ cho giai đoạn 2021-2025.
Trong đó đáng chú ý, TP Hà Nội đề xuất cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016). Theo TP Hà Nội, tỷ lệ này nhằm bảo đảm mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm…
Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, TP Hà Nội đã dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm, cụ thể: Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng Quý III đạt 8,59%, Quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%; Kịch bản 2: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5-7,0%.
Phiên giao dịch ngày 19/7, ngoài nhóm cổ phiếu y tế diễn biến tích cực, hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đều giảm sâu.
Chứng khoán lao dốc
26 mã cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán đều giảm giá. Cụ thể, tại nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, TCB, TPB, VIB, VPB, CTG, LPB, MSB giảm xuống giá sàn. Các mã còn lại đều có mức giảm sâu, mức giảm thấp nhất thuộc về OCB với 3,3%.
![]() |
Chứng khoán lao dốc, thị trường 'rực lửa' ngay phiên sáng đầu tuần |
Tất cả các mã cổ phiếu dầu khí cũng đều ở chiều giảm giá; trong đó, PVC và PVD giảm xuống giá sàn. Các mã BSR, OIL, PLX, PVS có mức giảm từ 4,1% - 9,3%.
Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngoài TVB tăng giá thì tất cả các mã còn lại đều giảm rất sâu; trong đó, VCI, VDS, VIX, PSI, MBS, HCM, FTS, CTS, AGR, APS, APG, ART giảm xuống giá sàn. Các mã còn lại nhiều mã giảm sát xuống giá sàn.
Các nhóm cổ phiếu bất động sản, công nghệ thông tin, xây dựng và vật liệu, bảo hiểm... cũng chìm sâu trong sắc đỏ.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 29 mã giảm sâu và chỉ còn 1 mã ở chiều tăng giá là KDH. Các mã vốn hóa đầu ngành đều giảm sâu như: VNM, VJC, VIC, VHM, VRE, HPG, FPT, MWG, BVH, PNJ...
Điểm tiêu cực nữa là khối ngoại bán ròng trong phiên hôm nay. Theo đó, khối ngoại bán ròng 98,35 tỷ đồng trên HOSE và 21,17 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng 15,43 tỷ đồng trên HNX.
Điểm sáng trong phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành y tế. Hàng loạt mã cổ phiếu ngành này tăng trần như: BIO, CDP, DBT, DDN, JVC, PBC,VMD. Các mã YTC, TVP, TTD, TRA, PPP, OPC, DHG... cũng đều có mức tăng rất mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/7, VN-Index giảm 55,8 điểm xuống 1.243,51 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 731 triệu đơn vị, tương ứng hơn 21.848 tỷ đồng. Toàn sàn có 346 mã giảm giá, 50 mã tăng giá và 21 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 15,7 điểm xuống 292,06 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 126,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.787,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 186 mã giảm giá, 41 mã tăng giá và 142 mã đứng giá.
UPCOM - Index giảm 2,74 điểm xuống 82,59 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.316,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 195 mã giảm giá, 89 mã tăng giá và 662 mã đứng giá.
Nhiều doanh nghiệp rút lui do ảnh hưởng Covid-19
Lượng doanh nghiệp quy mô lớn rút khỏi thị trường tăng trong nửa đầu năm nay, phản ánh sức chống chịu của họ đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Nội dung này nêu trong báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch nửa cuối năm vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Chính phủ cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát với CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47%, thấp nhất từ năm 2016.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 6 tháng tăng 32,2%...
Nhưng Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong nửa đầu năm tăng gần 25%.
"Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh", báo cáo nêu.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), 6 tháng đầu năm nay cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 942.600 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp 14,1 tỷ đồng. Tính cả số đơn vị quay trở lại làm việc (93.200 doanh nghiệp), bình quân mỗi tháng có 15.500 doanh nghiệp lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nhưng, số giải thể tăng gần 34%, doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể tăng xấp xỉ 26% hay ngừng kinh doanh tăng hơn 22%... Lĩnh vực tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (hơn 37%), xây dựng gần 14%, công nghiệp chế biến chế tạo gần 12%...
Bình quân mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Chưa cần mở thêm hãng hàng không mới
Các hãng hàng không trong nước cho rằng việc lập hãng bay mới hiện nay là chưa phù hợp và Bộ Giao thông Vận tải cũng cùng quan điểm này.
Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng báo cáo về khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không các hãng bay Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ cho biết hôm 15/7 đã chủ trì cuộc làm việc với Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlinnes và công ty cổ phần IPP Air Cargo - đơn vị của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang xin thành lập hãng bay chở hàng.
Sau cuộc họp, đại diện các hãng hàng không đều cùng quan điểm cho rằng, việc thành lập hãng hàng không mới (bao gồm cả hãng hàng không chuyển chở hàng hoá) là chưa phù hợp trong giai đoạn thị trường khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.
"Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Bộ cũng đánh giá tình hình hiện nay của các hãng hàng không Việt Nam là hết sức khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu để duy trì sự tồn tại, trong đó có vận chuyển hàng hóa. Các hãng đã phải chở hàng hoá trong bụng tàu bay, trên khoang hành khách và chuyển đối cấu hình một số máy bay chở khách sang chở hàng.
Cơ quan quản lý khẳng định các hãng cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong những trường hợp nhu cầu đặc biệt, các hãng hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá hoặc thuê tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hoá.
Mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết ý định thành lập một hãng bay chuyên chở hàng sau khi thị trường hàng không phục hồi. Hiện tại, doanh nghiệp này đã chuyển đổi cấu hình 5 tàu A350 và 2 tàu A321 từ chở khách sang chở hàng
M.C