Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay xanh trở lại
![]() |
Ảnh: Reuters |
Giá dầu hôm nay xanh trở lại
Tính đến đầu giờ chiều nay 26/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 61,75 USD/thùng - tăng 0,26%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 64,95 USD/thùng - tăng 0,26%.
Trong tuần này, bên cạnh các yếu tố về thương mại và địa chính trị, các nhà giao dịch cũng sẽ dõi theo các tín hiệu phát đi từ biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, nhằm đánh giá xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cho chu kỳ cắt giảm lãi suất tiếp theo.
Đề cập tới lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu lên 50% vào ngày 1/6, ông Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank nhận xét, những lời đe dọa áp thuế quan là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng cuộc chiến thương mại này còn lâu mới kết thúc và Mỹ sẽ phải gánh chịu những hậu quả kinh tế.
Giá dầu cũng chịu tác động bởi kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân và căng thẳng địa chính trị ở Châu Âu và Trung Đông. Theo Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi, trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran, vòng đàm phán thứ năm giữa Iran và Mỹ đã kết thúc tại Rome với một số tiến triển song chưa mang tính quyết định.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho rằng, các cuộc đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân của Tehran là "phức tạp", trong khi Mỹ thông báo vòng đàm phán đã đạt được thêm một số tiến triển.
Bên cạnh đó, căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp tục. Còn tại Trung Đông, Israel cũng thực hiện không kích vào Dải Gaza hồi cuối tuần vừa qua.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 26/5 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ giao dịch ở ngưỡng 3,322 USD/mmBTU - giảm 0,36%.
Tại Mỹ, nhu cầu khí cho các nhà máy hóa lỏng giữ ổn định, trong đó nhà máy Calcasieu Pass vừa chính thức đi vào vận hành thương mại, góp phần kéo giá LNG toàn cầu đi xuống.
Tại Châu Âu, giá LNG vẫn tiếp tục xu hướng giảm, trong đó giá hợp đồng khí đốt giao tháng 6 tại trung tâm khí TTF (Hà Lan) đã giảm 2,4%, xuống còn 11,4 USD/mmBTU.
Tại Châu Á, hợp đồng LNG kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 2% so với tuần trước, về mức 11,4 USD/mmBTU tính đến ngày 15/4.
Giá LNG tại Châu Á ghi nhận đợt giảm đáng kể do nhu cầu tiêu thụ khí yếu. Ông Masanori Odaka – chuyên gia cấp cao tại Rystad Energy nhận định, giá LNG giảm chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ khí ở hạ nguồn đang yếu đi. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Australia và Brunei cũng giúp kìm hãm phần nào sự sụt giảm.
Theo Rystad Energy, giá LNG giao ngay tại Châu Á cho kỳ hạn tháng 5 hiện quanh mức 12,5 USD/MMBtu - giảm gần 9% so với giá tháng 4, nhưng vẫn cao hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giấc mơ LNG của Canada trở nên khó khăn
Khi các mối đe dọa về thuế quan của Mỹ thúc đẩy Canada tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế cho dầu khí của mình, ngay cả tỉnh Quebec ở miền đông Canada - nơi đã hủy bỏ kế hoạch xuất khẩu LNG bốn năm trước - cũng đang ấp ủ ý tưởng quay trở lại.
Trong khi một dự án LNG ở Bờ Tây Canada sắp khởi động và nhiều dự án LNG hơn ở Bờ Tây Thái Bình Dương đang được các nhà giao dịch LNG lớn hỗ trợ, thì Bờ Đông Đại Tây Dương lại không được chú ý nhiều.
Mối đe dọa về thuế quan của Mỹ là lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách của Canada rằng, chính quyền liên bang có thể đã quá vội vàng hủy bỏ các dự án đường ống từ Alberta đến bờ biển trong thập kỷ qua, vốn có thể đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu dầu khí của Canada.
Đầu năm nay, trong bối cảnh mối quan hệ xấu đi với đối tác thương mại hàng đầu của Canada là Mỹ, chính quyền Quebec đã ra tín hiệu rằng họ sẽ sẵn sàng khôi phục dự án LNG Quebec để giúp Canada giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Nhưng ý tưởng về khả năng hồi sinh dự án xuất khẩu LNG ở Bờ Đông có thể đã "chết yểu" vì lý do không có cơ hội kinh doanh, theo nhóm Investors for Paris Compliance.
Báo cáo của nhóm nêu bật nhiều lý do tại sao việc vận chuyển LNG từ Bờ Đông của Canada sẽ không có lãi do những thay đổi về mặt cấu trúc trên thị trường LNG toàn cầu, trong khi chi phí của dự án LNG Quebec hiện sẽ gấp đôi so với ước tính được đưa ra vào năm 2018. Khi đó, ước tính chi phí là 12,2 tỷ đô la USD (16,9 tỷ CAD) và có khả năng đã bị đánh giá thấp.
Ngoài ra, thị trường chính cho vận chuyển LNG từ bờ biển Đại Tây Dương của Canada – Châu Âu – đã và đang giảm nhu cầu khí đốt, cũng do cuộc khủng hoảng năng lượng vào đầu thập kỷ này, trong khi Châu Á dễ tiếp cận LNG hơn so với Bờ biển phía Đông của Canada. Theo nhóm vận động, làn sóng các dự án LNG mới từ Mỹ và Qatar trong ba năm tới cũng làm giảm khả năng kinh doanh cho một dự án tốn kém ở bờ biển phía đông của Canada.
Bình An
-
Đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm dán nhãn năng lượng
-
Động thái bất ngờ của Ả Rập Xê Út đối với thị trường dầu châu Á
-
Phân tích và dự báo thị trường khí đốt toàn cầu từ nay đến hết năm 2025
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/5: OPEC+ nỗ lực cân bằng thị trường
-
Đồng bộ các quy định về vận hành, huy động nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước