Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Ukraine - Nga bước vào thời khắc quyết định

09:01 | 31/12/2024

|
Ukraine đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Thủ tướng Slovakia Robert Fico và một nhóm các công ty Trung Âu nhằm duy trì dòng chảy khí đốt từ biên giới phía đông của mình với Nga vào Liên minh châu Âu (EU).
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Ukraine - Nga bước vào thời khắc quyết định
Hình minh họa

Tương lai của việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine đang đứng trước ngã rẽ. Nếu không đạt được thỏa thuận vào phút chót trước thứ Tư tuần này, hàng tỷ mét khối khí đốt có thể bị đình trệ.

Sau khi thỏa thuận trung chuyển hết hạn vào ngày 31/12, Ukraine phải đối mặt áp lực từ Thủ tướng Slovakia Robert Fico và một nhóm các công ty Trung Âu nhằm tiếp tục duy trì dòng chảy khí đốt từ biên giới phía đông của mình vào EU.

Gần 3 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Budapest và Bratislava vẫn phụ thuộc vào nguồn khí đốt giá rẻ từ Gazprom, làm suy yếu nỗ lực của EU trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.

Thỏa thuận trung chuyển Ukraine - Nga sắp hết hạn, căng thẳng giữa các bên leo thang. Đầu tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Thủ tướng Slovakia Robert Fico ký "các thỏa thuận ngầm" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đáp lại, hôm thứ Sáu tuần trước, ông Fico đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine, khiến Kiev chỉ trích mạnh mẽ.

Theo các nhà ngoại giao tham gia đàm phán, những căng thẳng này không gây bất ngờ. Các cuộc tranh chấp trước đây về việc trung chuyển khí đốt giữa hai đối tác cũ từng dẫn đến việc dòng khí đốt bị cắt giảm bất ngờ, và các thỏa thuận thường chỉ đạt được vào phút cuối.

Các nhà giao dịch năng lượng, lãnh đạo ngành và chính trị gia ở châu Âu và các nơi khác vẫn đang dõi theo để chờ xem diễn biến tiếp theo.

Ông Zelenskiy nhiều lần khẳng định sẽ không cho phép khí đốt Nga – nguồn tài trợ quân sự của Điện Kremlin – tiếp tục trung chuyển qua Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại kết thúc. Tuy nhiên, ông cho biết sẵn sàng vận chuyển khí đốt từ các quốc gia khác, một lựa chọn mà những người nắm rõ cuộc đàm phán cho rằng vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ.

Trong quyết định này, nhà lãnh đạo Ukraine phải cân nhắc việc bảo vệ hệ thống đường ống khí đốt dài 38.600 km của đất nước. Đây là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới và đã tránh được các cuộc tấn công trong 3 năm qua nhờ khí đốt Nga vẫn chảy qua. Nếu dòng khí đốt này dừng lại, hệ thống này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa, giống như các cơ sở lưu trữ khí đốt và nguồn cung cấp điện trước đây. Ngoài ra, điều này cũng gây ra thách thức kỹ thuật lớn, khiến việc sưởi ấm của các gia đình trong mùa đông ở Ukraine trở nên khó khăn hơn.

"Vấn đề rủi ro đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine đang gây vang vọng trong các cuộc thảo luận ngoại giao", ông Christian Egenhofer, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu CEPS ở Brussels, nhận xét. "Đây có thể là lối thoát cho ông Zelenskiy nếu ông quyết định cho phép tiếp tục trung chuyển", ông nói.

Đồng thời, ông Egenhofer nhấn mạnh rằng, "cuộc đàm phán về khí đốt sẽ có ý nghĩa vượt ra ngoài Ukraine".

Đối với cả ông Putin và ông Fico, phương án có lợi nhất là để người mua châu Âu tiếp tục mua khí đốt trực tiếp từ Gazprom. Điều này sẽ cho phép Nga duy trì sự hiện diện trong thị trường EU mà không phải chia sẻ doanh thu với các bên trung gian, trong khi Slovakia có thể tiết kiệm chi phí trung chuyển, theo những người tham gia đàm phán yêu cầu giấu tên. Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Sáu tuần trước cho biết, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và dự kiến sẽ có một thỏa thuận được đưa ra vào phút chót.

Trước xung đột, cơ quan hành pháp của EU từng đóng vai trò trung gian cho các thỏa thuận trung chuyển giữa Kiev và Moscow. Hiện nay, với nỗ lực của khối nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo, Ủy ban châu Âu đã không can dự vào các cuộc đàm phán mà nhấn mạnh rằng, khu vực có sẵn các nguồn thay thế và lượng lưu trữ khí đốt đang ở mức cao.

Vào tháng 2 tới, cơ quan hành pháp EU sẽ công bố kế hoạch loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch từ Nga, thứ mà họ cho rằng Điện Kremlin đã biến thành một vũ khí chính trị. Việc triển khai kế hoạch này phụ thuộc vào các quốc gia thành viên: Ngoài khí đốt từ đường ống đến Slovakia và Hungary, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vẫn được vận chuyển đến các cảng tại Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha.

"Cuộc tranh cãi về khí đốt Nga sẽ làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa các thành viên EU, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Nga trong việc làm suy yếu sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine", ông Bota Iliyas, nhà phân tích cấp cao tại PRISM, một công ty tình báo chiến lược, nhận định.

Việc dừng dòng khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động "không đáng kể" đến giá khí đốt châu Âu, Ủy ban châu Âu tuyên bố đầu tháng này, đồng thời lưu ý rằng thị trường đã phản ánh việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển vào giá hiện tại.

Giá khí đốt châu Âu đã tăng 48% trong năm nay, vì lo ngại về sự cắt giảm nguồn cung cùng với việc dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng do thời tiết lạnh giá và thiếu gió. Mặc dù giá hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục hồi năm 2022 trong cuộc khủng hoảng năng lượng, do giai đoạn đầu của cuộc chiến gây ra, chúng vẫn đủ cao để ảnh hưởng tới các hộ gia đình và các nhà khai thác.

Việc không có thỏa thuận liên Chính phủ giữa Nga và Ukraine sẽ làm phức tạp thêm tình hình, nhưng không loại trừ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với sự tham gia của các công ty châu Âu. Công ty khí đốt Slovakia Slovensky Plynarensky Priemysel AS và nhà điều hành mạng lưới khí đốt Eustream AS, cùng với tập đoàn dầu khí Hungary MOL, các hiệp hội thương mại và các khách hàng công nghiệp lớn từ Áo và Ý, đã kêu gọi Tổng thống Zelenskiy cho phép tiếp tục vận chuyển khí đốt.

Khối lượng khí đốt được thảo luận là 15 tỷ mét khối mỗi năm, tương đương với lưu lượng hiện đang đi qua hệ thống đường ống của Ukraine.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moscow một tuần trước, Thủ tướng Slovakia Fico cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt sang phương Tây qua Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, “điều này dự kiến sẽ không thể thực hiện được” sau ngày 1/1, do lập trường của Kiev.

Đáp lại, ông Zelenskiy cho biết đã đề nghị bồi thường cho ông Fico các chi phí bổ sung mà Slovakia có thể phải gánh chịu, nếu khí đốt Nga qua Ukraine bị dừng lại. Ông Zelenskiy cũng tuyên bố sẵn sàng cho phép vận chuyển nhiên liệu không phải của Nga, nếu Ủy ban châu Âu đưa ra yêu cầu, nhưng ông cho rằng đề xuất này đã bị ông Fico bác bỏ.

Căng thẳng leo thang thêm vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước, khi ông Fico đăng tải một video trên Facebook tuyên bố rằng nếu dòng khí đốt này bị ngừng, ông sẽ xem xét các biện pháp đối ứng, bao gồm việc ngừng cung cấp điện mà Ukraine cần trong thời gian hệ thống mạng lưới của nước này bị gián đoạn. Theo ông Fico, việc chấm dứt trung chuyển khí đốt Nga sẽ khiến EU mất thêm 120 tỷ euro (125 tỷ USD) chi phí năng lượng trong hai năm tới.

"Việc ngừng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine không chỉ là một cử chỉ chính trị mang tính biểu tượng. Đây là một động thái cực kỳ tốn kém, mà chúng ta, Liên minh châu Âu, sẽ phải trả giá", ông Fico tuyên bố.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko hôm thứ Bảy đã phản bác lại, nói với một đài truyền hình địa phương rằng, ông đã cảnh báo EU và cộng đồng năng lượng khu vực rằng việc ngừng cung cấp điện sẽ vi phạm các quy định của châu Âu. Ông cho biết Ukraine đã có cơ chế để thay thế nguồn điện từ Slovakia bằng cách nhập khẩu từ các đối tác khác.

Khi thời hạn đang đến gần, các giải pháp thay thế đang được cân nhắc. Theo những người có hiểu biết về các cuộc đàm phán, SPP đã thảo luận với công ty dầu khí quốc doanh Azerbaijan về việc nhập khẩu khí đốt từ nước này. Điều này có thể đòi hỏi một thỏa thuận hoán đổi giữa Gazprom và Socar, trong đó công ty Azerbaijan sẽ mua khối lượng tương ứng từ Nga để cung cấp cho khách hàng châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đề xuất chuyển địa điểm bán khí đốt Nga sang biên giới giữa Nga và Ukraine. Theo đề xuất này, quyền sở hữu khí đốt sẽ được chuyển cho các khách hàng châu Âu, và Ukraine sẽ phải đảm bảo việc trung chuyển theo thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Tổng thống Putin hôm thứ Năm tuần trước cho biết một số đề xuất cho phép Hungary, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Azerbaijan kiểm soát việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy đều sẽ gặp khó khăn do các hợp đồng dài hạn với Gazprom.

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu của khối. Sau khi xung đột bắt đầu và nguồn cung bị cắt giảm, châu Âu đã đẩy nhanh việc chuyển hướng khỏi năng lượng của Nga. Năm ngoái, khí đốt Nga chỉ chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu của EU.

Cho phép khí đốt Nga tiếp tục trung chuyển qua Ukraine sẽ làm suy yếu thông điệp rằng EU không còn có thể hợp tác như trước với Nga nữa, ông Benjamin L. Schmitt, nghiên cứu viên cấp cao tại viện CEPA và Trung tâm Chính sách Năng lượng Kleinman của Đại học Pennsylvania, nhận định.

"Rủi ro không thể cao hơn", ông Schmitt nói trong một báo cáo nghiên cứu. "Việc tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga dưới bất kỳ hình thức nào – dù thông qua gia hạn hợp đồng công khai với Gazprom do Điện Kremlin kiểm soát, hay dưới bất kỳ tên gọi nào khác nhưng thực chất vẫn là của Nga – sẽ gây nguy hiểm cho Ukraine", ông kết luận.

EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và UkraineEU đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine
EU và Tổng thống Zelensky thảo luận về trung chuyển khí đốt qua UkraineEU và Tổng thống Zelensky thảo luận về trung chuyển khí đốt qua Ukraine
Slovakia đe dọa cắt điện Ukraine nếu trung chuyển khí đốt Nga dừng lạiSlovakia đe dọa cắt điện Ukraine nếu trung chuyển khí đốt Nga dừng lại

Nh.Thạch

AFP