Thịt chua đu đủ - Món ngon lạ miệng của người Mường Tân Sơn
![]() |
![]() |
Bên cạnh đó, du khách khi đến Tân Sơn còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, thưởng thức những đặc sản trên mâm cỗ lá như: lợn lửng, gà chín cựa, cá suối, cua đá, vịt nhồi lam, xôi ngũ sắc, măng luộc, rau sắng, rau rừng đồ, rau rớn nộm hoặc xào… Nhưng sẽ là thiếu sót nếu du khách không thử thưởng thức món thịt chua đu đủ - món ăn dân dã của người dân xứ Mường huyện Tân Sơn.
Ẩm thực của đồng bào Mường khá phong phú, trong đó có món thịt chua được bà con lưu truyền từ xưa đến nay. Thịt chua không chỉ là món ăn bình dị, mà còn trở thành đặc sản của đồng bào được nhiều thực khách ưa chuộng. Thịt chua từ lâu nay đã được rất nhiều du khách thập phương biết đến là đặc sản của vùng đất Thanh Sơn, Tân Sơn. Đặc biệt người Mường ở Xã Tân Phú, huyện Tân Sơn từ xưa đã biết sáng tạo chế biến món thịt chua đu đủ với nguyên liệu giống món thịt chua, thêm đu đủ xanh trở thành món ngon lạ miệng. Thịt chua đu đủ hay còn được gọi là món thịt dưa, món ăn được nhiều người ưa chuộng và được người dân địa phương sử dụng trong mỗi dịp lễ Tết, hoặc để tiếp đãi khách đến chơi nhà.
![]() |
Món thịt chua đu đủ lạ miệng (Ảnh: Thùy Dung). Nguyên liệu gồm có: thịt lợn ngon, đu đủ xanh và thính gạo. |
Ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn có gia đình bà Hoàng Thị Sáu có nghề làm món thịt chua đu đủ đã được chục năm. Trước kia do điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiết bị bảo quản chưa có, mỗi lần mổ lợn gia đình bà thường xuyên làm thịt dưa để tích trữ sử dụng ăn dần. Sau này điều kiện kinh tế khá hơn, mặc dù không phải tích trữ thực phẩm như trước nhưng với mong muốn giữ gìn và lan tỏa những món ăn mang đậm bản sắc, hương vị truyền thống của dân tộc, của địa phương mà gia đình vẫn duy trì việc làm món thịt chua đu đủ (thịt dưa). Nếu như ngày xưa, hỗn hợp gồm thịt, thính và sợi đu đủ khi đã ngấm gia vị được nén vào ống nứa khô có lót lá ổi, bọc kín đầu bằng lá chuối hoặc lá dong sạch. Thì ngày nay, do nhu cầu sản xuất thịt chua với số lượng lớn, ống nứa đã được thay thế bằng lọ nhựa sạch nắp kín nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên hương vị truyền thống.
![]() |
Món thịt chua đu đủ trong mâm cỗ lá người Mường |
Thịt dưa có thể được chế biến từ thịt trâu, bò nhưng phổ biến nhất vẫn là thịt lợn. Nguyên liệu để chế biến món thịt dưa gồm có: thịt ba chỉ hoặc nạc vai; thịt mông, quả đu đủ xanh, thính gạo. Thịt yêu cầu thơm ngon, rắn chắc thường được chọn từ thịt lợn lửng nuôi thả tự nhiên, thái thành từng miếng nhỏ. Thịt được trộn đều với muối trắng và thính gạo đã rang vàng. Đu đủ được chọn là những quả xanh, cạo sạch vỏ, rửa sạch cho hết nhựa, duôi thành sợi, nhào sợi đu đủ với muối cho sợi mềm, đưa vào khuôn ép hết nước rồi mới trộn cùng thịt lợn và thính gạo. Thịt lợn, đu đủ, thính gạo sau khi nêm thêm gia vị vừa miệng được nén chặt trong lọ để trong 3-5 ngày là có thể mang ra ăn được. Thịt chua Đu Đủ kèm với lá sung, lá mơ, lá ổi, lá nhội, đinh lăng và chấm kèm với tương ớt… tạo ra hương vị thơm ngon, ăn vào cảm nhận được độ giòn giòn dai dai của sợi đu đủ, thịt ngọt đậm, mùi thơm của thính gạo, tất cả hoà với hương vị của núi rừng tạo nên món ăn đặc biệt, độc và lạ.
![]() |
Hay trong bữa cơm hàng ngày của người dân |
Nếu một lần đặt chân tới núi rừng Tân Sơn, nhất định bạn phải nếm thử món đặc sản thịt chua đu đủ, bởi sự hấp dẫn từ hương vị đặc biệt của nó chính là sợi dây níu bao lữ khách, đi rồi vẫn muốn trở lại đầy luyến lưu.
Thùy Dung - TTTTXT Du lịch Phú Thọ
- Háo hức "check-in" cánh đồng hoa hướng dương bên sông Sài Gòn
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai mạc Hội hoa Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Hành tinh xanh”
- "Đoàn tàu mùa xuân" sẽ chạy xuyên Tết Ất Tỵ
- Quảng Nam: Ngắm đôi linh vật rắn sắc sảo, ánh vàng rực rỡ vừa được "trình làng"
- "Thủ phủ" hoa cúc miền Trung rộn ràng những ngày giáp Tết