Tăng thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp
![]() |
Cần gia tăng thêm thời gian hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp |
Đến nay, Tổng cục Thuế đã nhận được 64.743 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất với tổng giá trị 35.247 tỉ đồng, tăng hơn 14.000 tỉ đồng so với cuối tháng 5-2021 (khoảng 21.000 tỉ đồng, trong đó thuế GTGT 10.600 tỉ đồng, TNDN là 6.000 tỉ đồng; tiền thuê đất là 4.100 tỉ đồng; thuế GTGT và TNCN của hộ kinh doanh 300 tỉ đồng). Thế nhưng, con số 35.247 tỉ đồng tiền thuế đề nghị được gia hạn vẫn còn xa so với mức dự kiến 115.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đã tính toán khi ban hành Nghị định 52 vào tháng 4-2021, trước thời điểm đợt dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số đó cho thấy mức độ tàn phá của dịch bệnh với hoạt động của cộng đồng DN.
Ông Đặng Hồng Anh cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết DN hiện nay chỉ cầm chừng. Các DN có cơ sở hoạt động ở các khu vực bị giãn cách xã hội không đáp ứng được điều kiện bố trí chỗ ở cho người lao động tại chỗ nên đã đóng cửa, giảm lương 50-70%...
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, các DN tại TP HCM đã phải tạm ngưng sản xuất kinh doanh trong những tháng qua, nên cần có chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho DN. Bởi việc giãn thuế theo Nghị định 52 thời gian quá ngắn, chỉ 5 tháng, trong khi dịch Covid-19 bùng phát suốt mấy tháng nay, nên DN không có doanh thu, không có thu nhập và bị lỗ.
Nếu so sánh dịch Covid-19 năm 2021 tác động mạnh hơn, trầm trọng hơn thì chính sách hỗ trợ DN về thuế năm 2021 không nhiều bằng năm 2020. Không những thời gian ngắn hơn mà các DN không được hỗ trợ giảm 30% thuế TNDN. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN sản xuất tê liệt, không những gặp khó khăn trong việc bố trí sản xuất mà còn đối mặt với chi phí hàng hóa gia tăng. Thực ra, giãn thuế thì trước sau gì DN cũng phải nộp, nên cần sớm quyết nhanh và tăng thêm độ mạnh để hỗ trợ DN.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang đề xuất: Việc gia hạn thuế và tiền sử dụng đất có thể kéo dài đến ngày 30-6-2022 hoặc xa hơn là 31-12-2022. Bởi dự kiến đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, việc tiêm vắc-xin cho toàn dân mới thực hiện xong, lúc này hoạt động sản xuất kinh doanh có thể phục hồi. Đồng thời, nếu giảm thuế TNDN 30% từ nay cho đến cuối năm 2021, mức giảm đối với ngân sách không lớn vì số DN lỗ và tê liệt khá nhiều, với những DN còn lãi nên tạo cho DN có thêm sức bật trở lại. Đối tượng giảm thuế cũng nên chiếu theo ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19 gây ra, như sản xuất, xuất khẩu. Còn ngân hàng, chứng khoán có lãi quá nhiều thì không thể giảm thuế được. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2021, cũng nên tính đến việc giảm thuế GTGT từ thuế suất 10% xuống 5% để hỗ trợ người tiêu dùng.
![]() |
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Kaiser (KCN Mỹ Phước) |
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) mới đây, hơn 91% hiệp hội đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí cho DN tới hết năm 2022 (thuế đất, tiền thuê đất, thuế TNDN, các khoản phí đặc thù từng ngành...), đồng thời có các chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể. Các DN mong rằng từ nay đến hết 2022 sẽ không áp dụng thêm các chính sách mới làm tăng chi phí cho DN.
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh), giãn thuế là khoản vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, tuy chính sách này đúng nhưng chưa đủ. DN còn hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh thuế nộp để được giãn ra, nhưng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, cần có một gói hỗ trợ cho vay đối với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, để DN trả lương nhân viên với cam kết không sa thải nhân viên trong giai đoạn giãn cách xã hội. Gói hỗ trợ này nhiều nước đã làm, một số nước cho không, một số nước cho vay không lãi và trả lại sau 18 tháng cũng như có cơ chế gia hạn, xóa nợ. Đây là gói hỗ trợ rót trực tiếp từ ngân sách ra, không quan tâm rủi ro khoản vay, nên không cần thẩm định rủi ro, thủ tục cần đơn giản, điều kiện cho vay cực kỳ đơn giản, miễn là đủ điều kiện về quy mô DN và chứng minh không sa thải lao động.
Cũng theo ông Tuấn, điều còn thiếu của Việt Nam không ở chỗ giãn thuế mà ở chỗ không có một gói chi cho vay trả lương nhân viên để giữ lại nhân viên bị giãn việc và mất công việc tạm thời. Một số nước triển khai gói hỗ trợ này giúp nhiều DN khôi phục sản xuất lại ngay sau dịch. Bởi nếu đội ngũ lao động tứ tán thì sau dịch Covid-19, DN quay lại vận hành sản xuất kinh doanh lại phải mất mấy tháng tuyển lại đội ngũ nhân sự, làm lại từ đầu, sẽ xuất hiện đứt gãy sản xuất tạm thời. Đứt gãy sản xuất là một trong các nguyên nhân chính kéo giá cả lên cao, nên giảm đứt gãy sản xuất sẽ giảm rủi ro về giá cả sau dịch.
Tổng cục Thuế đã nhận được 64.743 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất với tổng giá trị 35.247 tỉ đồng, tăng hơn 14.000 tỉ đồng so với cuối tháng 5-2021. |
Thanh Xuân
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới