Sẵn sàng trao quyền cho doanh nghiệp nhà nước, làm rõ vai trò nhà đầu tư
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội thảo. |
Ngày 9/7, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật số 68/2025/QH15 về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hội thảo có sự tham dự của gần 150 đại biểu từ các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn/tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng và các chuyên gia.
Luật số 68/2025/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2025 - đánh dấu một bước thay đổi căn bản trong cách thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Không chỉ tách bạch vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn, Luật còn khẳng định rõ Nhà nước là một nhà đầu tư bình đẳng với các nhà đầu tư khác, thực hiện quyền và nghĩa vụ qua người đại diện vốn. Đây là tinh thần trung tâm xuyên suốt trong quá trình xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Để thi hành Luật đúng thời hạn, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 3 dự thảo Nghị định theo quy trình rút gọn, gồm: Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, công khai thông tin; Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Các dự thảo được xây dựng trên nền tảng kế thừa quy định hiện hành, đồng thời cập nhật tinh thần cải cách, xử lý các “điểm nghẽn” phát sinh trong thực tiễn thời gian qua.
Dự thảo Nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra nhiều nội dung đột phá, chú trọng phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và người đại diện phần vốn nhà nước trong quyết định đầu tư từ nguồn lực nội tại doanh nghiệp. Dự thảo đơn giản hóa thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, rút ngắn quy trình, tăng tốc độ triển khai dự án, đồng thời cụ thể hóa các vấn đề chiến lược như: xác định lại vốn điều lệ, huy động - cho vay vốn, đầu tư, bán tài sản, phân phối lợi nhuận, chuyển nhượng dự án... Nội dung này được nhiều đại biểu đánh giá là “then chốt” để doanh nghiệp nhà nước thực sự chủ động, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
![]() |
Hội thảo đã ghi nhận nhiều góp ý từ đại biểu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và giới chuyên gia. |
Dự thảo Nghị định về giám sát, đánh giá khắc phục nhiều bất cập cũ, thông qua việc thiết lập 3 cấp giám sát: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp - phân định rõ vai trò, trách nhiệm, tránh chồng chéo. Dự thảo Nghị định này đã đổi mới tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, tăng tính định lượng, khả thi, bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh, diễn biến thị trường và đưa ra khung đánh giá cụ thể với người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên, chia làm 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Các quy định mới sẽ tạo áp lực tích cực thúc đẩy trách nhiệm cá nhân, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng cơ chế tiền lương theo hiệu quả trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thể chế hóa rõ các định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng đất sau cổ phần hóa, bắt buộc doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán - tránh thất thoát tài sản công; hướng dẫn cụ thể việc giải thể công ty nông, lâm nghiệp nhà nước theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp thông thường, sau đó mới xác định hỗ trợ từ ngân sách nếu cần; bổ sung quy định về chuyển giao quyền mua cổ phần, tài sản, vốn... giữa các doanh nghiệp - giúp tăng linh hoạt và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Các quy định này nếu đi vào thực tiễn sẽ mở ra hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch cho các bước đi tái cấu trúc doanh nghiệp có vốn nhà nước - vốn đang chậm chạp do thiếu quy định cụ thể.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều góp ý từ đại biểu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Việc ban hành Luật số 68/2025/QH15 và các Nghị định hướng dẫn không chỉ là cải cách về mặt thủ tục mà còn là sự đổi mới về tư duy quản lý vốn nhà nước: từ mô hình “xin - cho” sang “ủy thác - chịu trách nhiệm”; từ cơ chế giám sát hành chính sang giám sát đầu tư theo kết quả; từ vai trò “chủ quản” sang “nhà đầu tư đồng hành”.
Đây cũng chính là cú hích cần thiết để doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò dẫn dắt, tiên phong thực thi các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030, nhất là trong bối cảnh đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số và xây dựng nền kinh tế độc lập - tự chủ, hội nhập sâu rộng.
Diệu Phương