Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn cho ngành than - điện
Theo đó, GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Ninh vẫn thấp hơn 1,3 điểm % so với chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng. Như vậy, để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mốc 2 con số, các chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ phải vượt chỉ tiêu đặt ra để bù đắp phần thiếu hụt ở 6 tháng đầu năm.
Đáng lo ngại là tăng trưởng từ công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa đủ sức tạo sự bứt phá lớn cho khu vực công nghiệp - xây dựng. Mặt khác, việc sự sụt giảm lớn từ các ngành, lĩnh vực kinh tế khác như khai khoáng - ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh (19,2%), nhưng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đã giảm 1,54% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 4,9% so với chỉ tiêu kịch bản, làm giảm 0,33 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
![]() |
Khai thác than trong hầm lò tại Công ty Than Nam Mẫu - TKV |
Lý giải điều này, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hồng Dương cho biết: “Sản lượng than sản xuất 6 tháng năm 2021 ước đạt 23,62 triệu tấn, bằng 95,3% so với cùng kỳ, bằng 96% kịch bản tăng trưởng, tương đương giảm 1,06 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng than của các hộ điện giảm mạnh và thị trường tiêu thụ chậm. Cùng với đó, lượng than tồn kho tương đối lớn, đến cuối tháng 5, TKV tồn 13,5 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc tồn 2 triệu tấn, nên các đơn vị ngành than phải điều hành sản xuất hằng tháng phù hợp với tiến độ tiêu thụ”.
Đối với sản xuất phân phối điện, có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 19,2%), tăng 3,08% cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu kịch bản, nên chỉ đóng góp 0,5 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Nguyên nhân là do sản lượng điện sản xuất 6 tháng qua đạt khoảng 20,4 tỷ kWh, giảm 2,69% so với chỉ tiêu kịch bản, do nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc ngừng hoạt động; thêm vào đó, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện điều tiết điện theo cơ chế thị trường; một số nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn cả nước được bổ sung đưa vào phát điện thương mại trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tác động trực tiếp đến sản lượng điện huy động của các nhà máy nhiệt điện than, trong đó bao gồm sản lượng điện huy động của 7 nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan chức năng đang tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành than trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Phấn đấu sản lượng sản xuất than sạch 6 tháng cuối năm 2021 đạt trên 21,8 triệu tấn để đạt mục tiêu trên 45,5 triệu tấn năm 2021 (trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) khoảng 40 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 5,5 triệu tấn). Đồng thời, khẩn trương làm việc với 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn và với Bộ Công Thương để đề xuất kế hoạch huy động sản lượng điện đối với các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đạt 38,5 tỷ kWh nhằm tăng thêm sản lượng tiêu thụ than cho các nhà máy điện.
![]() |
Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả đang được khẩn trương thi công |
Phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Quảng Ninh vào tháng 6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đã khẳng định: Quảng Ninh quyết tâm không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 2 con số. Để đạt được mục tiêu đó, trong những tháng cuối năm tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với những biện pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đảm bảo địa bàn an toàn, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững các trụ cột của các ngành sản xuất kinh doanh ít chịu tác động của dịch bệnh, trọng tâm là ngành than, điện, xi măng, các các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Đồng thời tận dụng từng cơ hội kiểm soát được dịch bệnh đưa ngành du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại, tập trung phát triển tối đa ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là phát triển bền vững nghề nuôi biển theo quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước…
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Quảng Ninh sẽ có một số thuận lợi như tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, các nhà đầu tư đặt niềm tin, các công trình trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ... Nhưng tính quyết định vẫn là phải tháo gỡ khó khăn cho hai ngành kinh tế chủ lực là công nghiệp than và điện bởi đây chính là nền tảng để Quảng Ninh phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Theo tính toán của Sở KH&ĐT Quảng Ninh, để đạt kế hoạch phát triển kinh tế năm 2021, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 11,78% (quý III là 10,6%, quý IV là 12,4%); thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 31.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 55.000 tỷ đồng. |
Thành Công
-
Ngành than nỗ lực thi đua sản xuất vượt kế hoạch
-
Từ nay đến 2035, tổng công suất điện khí dự kiến đạt gần 52.000 MW
-
Mỹ áp thuế đối ứng sẽ mang đến nhiều khó khăn trong ngắn hạn cho ngành năng lượng Việt Nam
-
Cháy rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước để phát điện