Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/8/2022
![]() |
Giám đốc Công ty Dầu khí Ngoài khơi Iran (IOOC) cho biết giai đoạn đầu tiên của dự án phát triển mỏ dầu Esfandiar mà Iran chia sẻ với Saudi Arabia sẽ bắt đầu trong tương lai gần. Ảnh: Tehrantimes |
Iran lên kế hoạch khai thác mỏ dầu chia sẻ với Saudi Arabia
Iran ngày 20/8 thông báo nước này sẽ bắt đầu khai thác một mỏ dầu có trữ lượng lớn nằm ở khu vực biên giới trên biển với Saudi Arabia thuộc vịnh Ba Tư (vịnh Persian) trong 3 năm tới.
Một quan chức Bộ Dầu mỏ Iran thông báo một hợp đồng sẽ được trao trong tương lai rất gần cho giai đoạn đầu tiên của dự án phát triển tại mỏ dầu Esfandiar, được kết nối với mỏ Lulu của Saudi Arabia.
Người đứng đầu Công ty Dầu khí Ngoài khơi Iran, Alireza Mehdizadeh, tiết lộ một giàn khoan và 4 giếng khoan đã được lên kế hoạch cho giai đoạn đầu của dự án phát triển mỏ dầu Esfandiar, cách đảo Kharg của Iran 95 km về phía Tây Nam và có trữ lượng ước tính hơn 500 triệu thùng.
Thụy Sĩ chuẩn bị các kịch bản cực đoan về thiếu hụt năng lượng
Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Tư pháp và Cảnh sát bang Thụy Sĩ Fredy Fässler ngày 20/8 cho biết chính phủ Thụy Sĩ và các bang đang hướng tới việc chuẩn bị cho "các kịch bản cực đoan" khi đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông này.
Theo đó, Thụy Sĩ cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra cướp bóc và biểu tình, kịch bản không thể rút tiền từ ATM, hệ thống sưởi ngừng hoạt động và đường phố chìm trong bóng tối, dù theo quan điểm của ông Fässler là khó có thể xảy ra.
Hiện giới chuyên gia cảnh báo Thụy Sĩ có thể đối mặt tình trạng thiếu điện và khí đốt trong mùa đông dù nguồn cung hiện tại đã đủ và lượng dự trữ đáng kể. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga hồi đầu tuần cũng khẳng định một loạt phương án đang được tìm hiểu để ngăn chặn tình trạng xảy ra mất điện trong mùa đông.
Naftogaz ủng hộ việc Đức mua khí đốt của Canada
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận được sự ủng hộ cho mối quan tâm đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada để thay thế lượng khí đốt nhập khẩu của Nga từ một đồng minh bất ngờ là công ty khí đốt quốc doanh Ukraine Naftogaz.
Triển vọng vận chuyển khí LNG của Canada, một trong những nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới, tới châu Âu, là điều mà Naftogaz ủng hộ và cũng là điều mà công ty đang âm thầm thực hiện.
Đầu năm nay, Naftogaz đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà phát triển năng lượng Canada Symbio Infrastructure để mua LNG từ Canada. Trong khi đó, Canada và Đức đang thảo luận về việc xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG trên bờ biển Đại Tây Dương của Canada.
Nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới đặt mục tiêu nâng sản lượng
Công ty Kazatomprom (Kazakhstan) - nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới cho biết sẽ nâng sản lượng thêm 2.000-3.000 tấn vào năm 2024, do nhu cầu nhiên liệu hạt nhân ngày càng tăng trong bối cảnh có nhiều quan ngại về an ninh năng lượng toàn cầu và cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Kazatomprom cho hay, nhân tố chủ chốt giúp cải thiện điều kiện của thị trường urani và triển vọng lạc quan về ngành điện hạt nhân trong những năm qua là mối quan tâm của quốc tế xung quanh tác động về xã hội và môi trường của hạ tầng năng lượng.
Theo Kazatomprom, nhiều quốc gia, bao gồm cả những nước từng từ bỏ kế hoạch hạt nhân hoặc cam kết loại bỏ năng lượng hạt nhân, cũng thông báo sẽ xem xét lại chính sách, thậm chí là tái cân nhắc khai thác năng lượng hạt nhân bên cạnh các chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.
Giá điện tăng cao, nhà máy luyện kim châu Âu đóng cửa
Trong tuần này, 2 nhà máy luyện kim lớn ở Slovakia và Hà Lan đã thông báo động cửa khi giá điện tăng cao nhiều lần do thiếu khí đốt. Nhà máy luyện nhôm Slovalco của Công ty Norsk Hydro (Na Uy) ở Slovakia sẽ dừng hoạt động hoàn toàn vào cuối tháng này. Nhà máy luyện kẽm Budel của Công ty Nyrstar (Bỉ) ở Hà Lan sẽ dừng từ đầu tháng 9.
Một nửa sản lượng nhôm và kẽm của EU đã bị mất mát do các nhà máy luyện kim cắt giảm công suất và đóng cửa trong năm nay khi họ phải vật lộn ứng phó với giá điện tăng cao, theo Eurometaux, một tổ chức thương mại về kim loại màu không chứa sắt.
Giá bán điện ở Đức giao cho năm tới, mức chuẩn cho châu Âu, đã tăng lên 543 euro mỗi MWh, cao gấp 12 lần so với hai năm trước, do giá khí đốt tăng kỷ lục sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu lục này. Điều này gây khó khăn đối với các lò luyện kim sử dụng nhiều điện.
![]() |
![]() |
T.H