Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/12/2022
![]() |
Các bộ trưởng EU ngày 19/12 đã thống nhất kích hoạt mức giá trần khí đốt 180 euro (tương đương 191,11 USD) mỗi megawatt giờ. Ảnh minh họa: TDN |
EU thông qua biện pháp hạn chế giá khí đốt tự nhiên
Các bộ trưởng EU ngày 19/12 đã thống nhất kích hoạt mức giá trần khí đốt 180 euro (tương đương 191,11 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) sau 2 tháng đàm phán căng thẳng. Giới hạn giá có thể được kích hoạt từ ngày 15/2/2023. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi các quốc gia chính thức phê duyệt bằng văn bản.
Đây là nỗ lực mới nhất của 27 quốc gia EU nhằm giảm giá khí đốt, sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt cho châu Âu. "Chúng tôi đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng sẽ bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt", Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp của Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cho biết.
Một quan chức EU nói rằng Đức đã tán thành mức giá trần sau khi các nước đồng ý thay đổi quy định nhằm đẩy nhanh giấy phép năng lượng tái tạo và có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn. Các biện pháp đó bao gồm điều kiện mức giá trần sẽ bị đình chỉ nếu EU phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt hoặc mức sử dụng khí đốt tăng vọt. Chỉ có Hungary bỏ phiếu phản đối. Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng.
Nga cảnh báo đáp trả sau quyết định hạn chế giá khí đốt của EU
Chính quyền Moscow đã đưa ra phản ứng dữ dội về quyết định thống nhất giá trần khí đốt được Bộ trưởng Năng lượng các nước trong khối EU đưa ra. "Bất kỳ hành động nhằm áp giá trần khí đốt đều không thể chấp nhận được. Đây là hành vi vi phạm quá trình xác định giá thị trường và Nga sẽ cần thời gian để đánh giá cẩn thận tất cả lợi và hại khi tiến hành những biện pháp đáp trả phù hợp" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Đại sứ đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao Nga Yury Sentyurin gọi sáng kiến của EU là hành động "coi thường luật pháp quốc tế", đi ngược lại các quy luật thị trường và sẽ làm thị trường xuống cấp.
"Có thể có nhiều ý tưởng điên rồ khác nhau về vấn đề này, chắc chắn không thể coi những ý tưởng đó là các biện pháp thị trường. Đây là những công cụ phi thị trường" - ông Sentyurin bình luận - "Theo tôi, tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả tệ hại là làm thị trường xuống cấp. Đó là sự từ bỏ, coi thường luật pháp quốc tế".
EU sẵn sàng đình chỉ việc giới hạn giá trần khí đốt
Ngày 19/12, Ủy viên năng lượng châu Âu, bà Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đình chỉ giới hạn giá trần khí đốt nếu có phân tích cho thấy bất hợp lý. Bà Simson nói: “Ủy ban sẵn sàng đình chỉ kích hoạt giới hạn giá trần nếu phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác Năng lượng (ACER) cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích".
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần giá khí đốt là 180 euro/megawatt giờ (MWh), áp dụng từ giữa tháng 2/2023.
Mức giới hạn giá trên dự định sẽ kéo dài trong một năm và được kích hoạt khi giá tiêu chuẩn châu Âu đối với khí đốt tự nhiên vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp. Cơ chế này nhằm đối phó với giá khí đốt tăng cao ở châu Âu khiến các chính phủ EU lo lắng.
Đức nâng mức tiêu thụ khí đốt lên tình trạng “nguy cấp”
Mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa từ đầu mùa đông, tuy nhiên, thời tiết giá lạnh bất thường trong tháng 12 đang đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% lượng tiêu thụ so với những năm trước.
Vì vậy, trong Kế hoạch Khẩn cấp về khí đốt, Cơ quan Mạng lưới Liên bang đã nâng mức tiêu thụ khí đốt từ “căng thẳng” lên “nguy cấp” hồi tuần trước. Tiêu thụ gas là một trong năm chỉ số được cơ quan này sử dụng để theo dõi tình hình tình hình năng lượng.
Trước đó, Trung tâm Truyền thông Khoa học (SMC) dự báo Đức có thể vượt qua mùa đông nếu đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt, lượng nhập khẩu không giảm quá nhiều và mùa đông cũng không trở nên quá lạnh. Trường hợp ngược lại, lạnh giá và nếu rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, bộ kinh tế có thể tuyên bố một cuộc khủng hoảng ở cấp độ “khẩn cấp”.
Nga bán dầu khí cho Belarus theo điều khoản ưu đãi
Ngày 19/12, trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, hai bên đã thảo luận về các thông số giá cả trong lĩnh vực năng lượng và cho rằng tất cả các thông số chính, bao gồm các thông số nhạy cảm định giá trong lĩnh vực này, đã được thống nhất.
Theo Tổng thống Putin, Nga cung cấp dầu khí cho Belarus theo các điều khoản ưu đãi rất có lợi, qua đó nhấn mạnh tới bản chất đặc quyền trong quan hệ đối tác giữa hai nước và đây là một biện pháp nghiêm túc để hỗ trợ nền kinh tế Belarus.
Về phần mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukasheno cho biết, giá khí đốt của Moscow cung cấp cho Minsk vào năm tới đã được ấn định và có lợi cho Belarus.
EU nới lỏng các quy định cắt giảm khí methane trong lĩnh vực dầu mỏ
Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất dự luật yêu cầu các công ty dầu mỏ và khí đốt ở châu Âu phải tiến hành kiểm tra định kỳ để xác định và khắc phục các sự cố rò rỉ khí methane trong hệ thống cơ sở hạ tầng. Dự luật này sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thảo luận và xem xét trong năm tới. Ngày 19/12, các bên đã thông qua quan điểm đàm phán.
Cụ thể, các nước EU cho rằng các công ty nên kiểm tra cơ sở hạ tầng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực và sau đó, tiến hành các đợt kiểm tra theo những lịch trình cụ thể hơn. Ví dụ, lịch kiểm tra các trạm nén khí là sau mỗi 6 tháng, với các trạm tăng áp là sau mỗi 12 tháng và với các đường ống dẫn là sau mỗi 2 năm. Lịch trình này đã được giãn cách hơn so với đề xuất của ban đầu của EC là kiểm tra hằng quý.
Dự luật mới của EU cũng không áp dụng với những cơ sở hạ tầng ở nước ngoài tham gia vận chuyển khí đốt tới châu Âu. Hiện hơn 80% lượng khí đốt tiêu thụ tại EU là từ các nguồn nhập khẩu trong khi hầu hết lượng khí methane có liên quan mức tiêu thụ này phát thải tại các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, các bên cũng nhất trí sau khi luật có hiệu lực sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên mở rộng quy định với các sản phẩm nhập khẩu hay không.
Mỹ có thể trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô vào năm 2023
Mỹ đã trở thành cường quốc xuất khẩu dầu thô toàn cầu trong vài năm qua. Hiện nay, lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang các quốc gia khác đã chạm mức kỷ lục 3,4 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, nước này còn xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng/ngày các sản phẩm tinh chế như xăng và nhiên liệu diesel.
Rohit Rathod, nhà phân tích thị trường tại công ty nghiên cứu năng lượng Vortexa, nhận định xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu đối với năng lượng Mỹ và sẽ khiến xuất khẩu dầu cao hơn nhập khẩu vào cuối năm tới khi sản lượng dầu đá phiến gia tăng.
Để trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô, Mỹ cần phải tăng cường sản xuất hoặc cắt giảm tiêu thụ. Nhu cầu xăng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,7% lên 20,51 triệu thùng/ngày, điều này đồng nghĩa với việc sản lượng dầu sẽ phải tăng thêm. Sản lượng dầu của nước này có thể đạt kỷ lục 12,34 triệu thùng/ngày vào năm tới.
![]() |
![]() |
T.H (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 23/4: Tiền gửi ngân hàng suy giảm sau nhiều tháng tăng liên tục
-
Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026
-
Đại sứ Marri Kohdayar: Du lịch Halal ở Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu
-
Giá dầu hôm nay (23/4) : Tiếp tục tăng trong phiên
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu