Nhiên liệu hóa thạch sẽ không mất vị thế trong ngành năng lượng toàn cầu
![]() |
Nguồn: BBC |
Trong thời gian đại dịch năm 2020, các cuộc khảo sát cho thấy, tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã giảm 4,5% so với năm 2019, đồng thời lượng phát thải CO2 cũng giảm 6,3%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1945. Trong số các loại nhiên liệu hóa thạch, tiêu thụ dầu giảm nhiều nhất ở mức 9,7%, chiếm gần 3/4 mức giảm chung. Thế giới cũng ghi nhận sụt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch theo khu vực địa lý: Giảm nhiều nhất ở Bắc Mỹ với 8%, châu Âu giảm 7,8%, châu Á-TBD giảm 1,6%; Nam Mỹ giảm 7,8%, Trung Đông giảm 3,1%. Tuy nhiên, Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ. Đây là quốc gia duy nhất trong năm 2020 tăng cường tiêu thụ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch và gia tăng lượng khí thải CO2 so với năm 2019. Tổng tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc đã tăng 2,1% trong năm ngoái.
Tín hiệu đáng mừng cho ngành năng lượng tái tạo là hai loại hình năng lượng gió và mặt trời năm 2020 đã tăng trưởng 9,7% và thủy điện tăng trưởng 1% so với năm 2019. Sự gia tăng năng lượng tái tạo như vậy được cho là sự cạnh tranh của hai loại hình năng lượng này về giá, cũng như được hỗ trợ bởi các chính phủ. Tổng các khoản hỗ trợ từ nhiều định chế tài chính lớn như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản.
![]() |
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong giai đoạn (1996-2020). |
Đồ thị tại hình trên cho thấy, tiêu thụ tất cả các loại hình năng lượng đã tăng trưởng trong thập kỷ vừa qua và năng lượng tái tạo chỉ là phần thêm vào trong tổng mức tăng trưởng. Sự dịch chuyển của các nguồn năng lượng khác so với năng lượng tái tạo không được quan sát trên đồ thị. Theo khảo sát, các quốc gia đang phát triển trên thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, đang chiếm 61% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu và con số này tiếp tục tăng lên hàng năm. Đồng thời, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã vượt quá tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả Mỹ và EU cộng lại. Điều này cho thấy, sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc và sự trì trệ tiêu thụ tại các nước phát triển trong thời gian đại dịch.
Trong năm 2020, nhiên liệu hóa thạch đã chiếm 86,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của các nước đang phát triển và chiếm 84,9% trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Điều thú vị là các nước đang phát triển trên thế giới hiện chiếm 82% sản lượng than tiêu thụ toàn cầu (riêng Trung Quốc chiếm 57% tiêu thụ than toàn cầu). Lĩnh vực sản xuất than vẫn tiếp tục phát triển. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, khoa học, năng lượng và tài nguyên Úc, thương mại than cốc toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng từ 298 triệu tấn (2020) lên 337 triệu tấn (2023).
Các nước đang phát triển đang thống trị toàn cầu về sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu than. Một dấu hiệu cho thấy là xuất khẩu than từ Mỹ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm 2020 và vượt qua sản lượng xuất khẩu năm 1990. Nhiên liệu hóa thạch đang chiếm 83,1% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong năm ngoái, trong đó dầu mỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu năng lượng với 31,2%. Nhiên liệu than ở vị trí số 2 với tỷ trọng 27,2% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp, thậm chí tăng nhẹ so với mức 27,1% của năm 2019. Thị phần khí đốt thiên nhiên tăng lên mức kỷ lục mới là 24,7%. Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 5,7% nhờ hàng tỷ USD trợ cấp mà lẽ ra có thể được chi nhiều hơn cho các nhà máy điện hạt nhân. Năng lượng hạt nhân chỉ chiếm tỷ trọng 4,3%. Thị phần năng lượng của thủy điện đã tăng 0,4% trong năm 2020, lên mức 6,9%.
Tổng mức tiêu thụ năng lượng của các nước phát triển trên thế giới (bao gồm Mỹ, EU, Anh) trong năm 2020 cũng chủ yếu đến từ nhiên liệu hóa thạch, đáp ứng 78% nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 8,3%. Mỹ đã bắt đầu phát triển năng lượng tái tạo kể từ khi chính quyền nước này thông qua Đạo luật chính sách điều tiết tiện ích (PURPA), nhưng sau 42 năm thì năng lượng gió và mặt trời chỉ đáp ứng 7% tổng tiêu thụ năng lượng tại quốc gia này. Ngay cả đối với tiểu bang California - địa phương phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhất, nhiên liệu hóa thạch vẫn đáp ứng tới 72,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của bang và năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 12%.
Báo cáo của BP cũng bao gồm số liệu về tiêu thụ điện toàn cầu, đã giảm nhẹ 0,6% trong năm 2020. Những thành tựu của châu Âu về phát triển điện tái tạo ảnh hưởng rất ít đến sự cân bằng toàn cầu. Tiêu thụ điện toàn cầu một lần nữa bị chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch, chiếm 61,3% tổng tiêu thụ điện toàn cầu. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chỉ cung cấp được khoảng 11,7%. Tại các nước phát triển, nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng 51,3% trong sản xuất điện, thủy điện chiếm 13,6%, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 17,2% và năng lượng tái tạo chỉ chiếm 16,4%.
Về giảm phát thải CO2, BP đánh giá, có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng việc cắt giảm carbon có liên quan đến khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi và các hạn chế được dỡ bỏ. Thách thức lớn nhất là giảm phát thải bền vững hàng năm mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và cuộc sống hàng ngày của người dân. Bản chất của ý tưởng giảm phát thải bền vững được chánh kinh tế của BP Spencer Dale đưa ra. Ông Dale cho biết, thế giới chưa ghi nhận một dấu hiệu thay đổi mang tính quyết định để đạt mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C. Tỷ lệ giảm lượng carbon cho thấy trong năm 2020 phải được duy trì trong 30 năm tới để thế giới đạt được mục tiêu khí hậu trong Thỏa thuận Paris.
Tiến Thắng
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới
-
Giá dầu hôm nay (22/4): Dầu thô tăng trong phiên
-
Tin tức kinh tế ngày 21/4: Giá vàng vọt tăng
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ