Nga dự báo mạnh mẽ trở lại thị trường dầu mỏ
![]() |
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh RT |
Thông tin trên được ông Novak chia sẻ với tạp chí Energy Policy vào ngày 14/5. Theo ông, việc sản lượng dầu phục hồi về mức ổn định sẽ phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố chính: Nâng cấp công nghệ khai thác và cải cách thuế.
Tập trung đầu tư công nghệ và cải cách thuế
Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh, để đạt mục tiêu này, ngành dầu khí Nga cần đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ và khai thác hiệu quả hơn, đặc biệt ở những mỏ dầu có điều kiện kỹ thuật phức tạp. “Chúng ta cần làm mới cơ sở tài nguyên, đặc biệt là đẩy nhanh khai thác các trữ lượng khó tiếp cận và áp dụng các công nghệ tiên tiến”, ông nói.
Ông cũng cho biết, hiện khoảng 60% trữ lượng dầu của Nga nằm ở các mỏ cũ bị bỏ hoang, ngập nước, hoặc có điều kiện khai thác rất khó khăn. Do đó, để các mỏ này mang lại hiệu quả kinh tế, việc cải cách hệ thống thuế là yếu tố then chốt.
Chính phủ Nga đang hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các nguồn tài nguyên ở những khu vực như Bắc Cực, Đông Siberia và vùng Viễn Đông. Ông Novak cho rằng, việc phục hồi sản lượng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần tái cấu trúc toàn diện ngành công nghiệp dầu khí trong nước.
Nghi ngờ vẫn bao trùm khả năng phục hồi sản lượng dầu của Nga
Dù Nga đặt mục tiêu đưa sản lượng dầu trở lại mức ổn định, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn bày tỏ sự hoài nghi về khả năng này. Theo phân tích của S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu của Nga bắt đầu giảm từ năm 2022 không chỉ vì các hạn ngạch do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) áp đặt, mà còn vì mức đầu tư trong nước sụt giảm và khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Thống kê cho thấy, vào tháng 3/2024, sản lượng dầu thô của Nga chỉ đạt khoảng 8,97 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 9,42 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái, theo khảo sát của OPEC+ do S&P Global Commodity Insights thực hiện. Nếu tính cả condensat và khí hóa lỏng (NGL), tổng sản lượng dầu của Nga trong năm 2024 ước tính đạt 10,74 triệu thùng/ngày.
Vai trò của OPEC+ và cuộc cạnh tranh thị phần toàn cầu
Trước những nghi ngại trên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiếp tục lên tiếng ủng hộ việc Nga tham gia OPEC+, cho rằng các hạn ngạch sản lượng không chỉ góp phần ổn định giá dầu mà còn giúp Nga tăng thu ngân sách. Ông dự báo nếu nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tiếp tục tăng, thị phần của các nước thuộc OPEC+ có thể tăng từ mức 49% hiện tại lên 52% vào năm 2050.
Quan điểm của ông Novak tương đồng với nhận định của Tổng Giám đốc Saudi Aramco, ông Amin Nasser, người cho rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng ít nhất cho đến hết năm 2025. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn thận trọng. Họ cho rằng Nga khó có thể phục hồi sản lượng như kỳ vọng nếu không cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ khai thác tiên tiến từ phương Tây – điều mà hiện nay nhiều tập đoàn dầu khí lớn vẫn còn do dự vì các rủi ro pháp lý và chính trị.
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
- Năng lượng, dầu khí tiếp tục đóng góp vị trí quan trọng trong hợp tác Việt – Nga
- Venezuela ký hiệp ước đối tác chiến lược với Nga
- Hợp tác dầu khí Việt - Nga: Mô hình hiệu quả, đối tác chiến lược
- Biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan
- Petrovietnam và SOCAR mở rộng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng