Khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu: Ả Rập Xê Út không bỏ lỡ cơ hội
![]() |
Dầu mỏ hoảng loạn: Thị trường của Ả Rập Xê Út tăng mặc dù cổ phiếu toàn cầu lao dốc sau khi ông Trump áp thuế. Hình Youtube |
Thị trường dầu mỏ – một trong những thị trường hàng hóa lớn nhất thế giới – vốn đã căng thẳng từ lâu. Sản lượng tăng, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, trong khi triển vọng dài hạn thì mờ mịt. Những yếu tố này đã khiến giá dầu chủ yếu dao động quanh mức 70–90 USD/thùng suốt vài năm gần đây.
Trong khi đó, liên minh OPEC+ liên tục gặp khó trong việc duy trì kỷ luật sản lượng. Ả Rập Xê Út – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – đang dần mất kiên nhẫn với những thành viên không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Cụ thể, ba cái tên thường xuyên vi phạm cam kết này là Kazakhstan, Iraq và UAE. Theo thỏa thuận từ năm 2022, OPEC+ đã cam kết cắt giảm 5,85 triệu thùng/ngày. Thế nhưng, chỉ riêng trong tháng 2 vừa qua, mỗi nước đều vượt hạn ngạch ít nhất 300.000 thùng/ngày – góp phần lớn vào tổng số 1,2 triệu thùng/ngày sản lượng vượt mức của cả khối, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Giá dầu đã giảm hơn 16% kể từ ngày 3/4 – thời điểm ông Trump tuyên bố áp thêm thuế mới – xuống dưới ngưỡng 63 USD/thùng. Trước tình hình đó, Ả Rập Xê Út đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để gửi một thông điệp cứng rắn tới các thành viên trong khối và các đối thủ bên ngoài.
Riyadh tung đòn cảnh báo
Chỉ một ngày sau khi ông Trump công bố thuế quan mới và thị trường tài chính chao đảo, Riyadh đã có động thái đáp trả đầu tiên.
Ả Rập Xê Út cùng 7 nước thành viên OPEC+ bất ngờ thông báo sẽ sớm dỡ bỏ đợt cắt giảm sản lượng đầu tiên với tổng mức 2,2 triệu thùng/ngày. Điều này đồng nghĩa thị trường dầu toàn cầu sẽ đón thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 5 – dù hiện tại nguồn cung đã tương đối dồi dào.
Chưa dừng lại, vào Chủ nhật tuần trước, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco còn gây bất ngờ khi hạ mạnh giá bán dầu cho thị trường châu Á trong tháng 5, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Cụ thể, giá dầu Arab Light – sản phẩm chủ lực của Aramco – được điều chỉnh giảm chỉ còn cao hơn giá bình quân của dầu Oman và Dubai 1,20 USD/thùng, tức giảm tới 2,30 USD/thùng so với tháng trước. Đây là mức điều chỉnh giảm sâu nhất trong hơn hai năm qua.
Chuỗi động thái cứng rắn này cho thấy Ả Rập Xê Út sẵn sàng chịu thiệt trước mắt để siết lại kỷ luật sản lượng và gia tăng sức cạnh tranh về giá nhằm giành lại thị phần – không chỉ trong nội bộ OPEC+ mà cả trên thị trường quốc tế.
Kịch bản năm 2014 có lặp lại?
Diễn biến hiện tại khiến không ít người nhớ lại kịch bản năm 2014. Thời điểm đó, Ả Rập Xê Út từng khiến thị trường toàn cầu chao đảo khi quyết định bơm dầu ồ ạt ra thị trường, nhằm "đè bẹp" ngành dầu đá phiến của Mỹ và khẳng định lại vị thế dẫn đầu. Hệ quả là giá dầu Brent lao dốc hơn một nửa chỉ trong vòng 6 tháng, rơi xuống 51 USD/thùng vào tháng 1/2015. Đòn đánh này đã khiến nhiều công ty dầu khí phải cắt giảm đầu tư suốt nhiều năm sau.
Giờ đây, một số dấu hiệu tương tự lại đang xuất hiện. Theo khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, để có lãi với các giếng khoan mới, các công ty dầu đá phiến Mỹ cần giá dầu trung bình khoảng 65 USD/thùng. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm thứ Tư, giá dầu WTI đã tụt xuống dưới 60 USD/thùng. Nếu giá vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp dầu đá phiến sẽ phải thu hẹp hoạt động – đặc biệt trong bối cảnh chi phí khai thác có thể tăng, do các mức thuế mới của ông Trump đánh vào thép và thiết bị.
Nhưng liệu lần này có khác?
Khác với năm 2014, mục tiêu chính của bất kỳ cuộc chiến giá dầu nào hiện nay không còn là "gây sức ép" lên ngành dầu đá phiến Mỹ – dù đây vẫn là hệ quả mà Ả Rập Xê Út mong muốn. Bởi lẽ, sản lượng dầu của Mỹ vốn đã được dự báo sẽ chững lại vào cuối thập kỷ này.
Quan trọng hơn, Riyadh hiện có ít dư địa để hành động hơn trước. Họ không muốn giá dầu rơi tự do, cũng như không có ý định để một cuộc chiến giá kéo dài – điều có thể phá vỡ sự gắn kết của liên minh OPEC+. OPEC+ hiện tại là một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Ả Rập Xê Út.
Ngoài ra, tình hình tài chính cũng khiến Riyadh phải thận trọng hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út cần giá dầu trung bình khoảng 91 USD/thùng trong năm nay để cân bằng ngân sách – cao hơn nhiều so với mức chỉ khoảng 50 USD/thùng mà UAE cần để hòa vốn. Khoảng cách chênh lệch này khiến Riyadh khó có thể “chịu đòn” trong một cuộc chiến kéo dài như trước kia.
Hiện tại, sự biến động trên thị trường toàn cầu đang tạo cơ hội để Ả Rập Xê Út gây sức ép với các thành viên trong OPEC+, cũng như với các đối thủ bên ngoài liên minh. Tuy nhiên, việc giành chiến thắng trong một cuộc chiến giá dầu có lẽ sẽ khó khăn hơn nhiều so với một thập kỷ trước.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP