Đưa Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vừa ký tờ trình số 3711/TTr-BCT (ngày 14/6) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển A0 hiện đang thuộc quyền quản lý của EVN sang Bộ Công Thương. Trong đó, nêu thực trạng, giải pháp chuyển A0 sang Bộ Công Thương.
![]() |
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). |
Theo đó, hiện A0 là đơn vị hạch toán trực thuộc EVN, theo Đề án Tái cơ cấu ngành điện 2016-2020, định hướng đến 2025 của Chính phủ, A0 sẽ chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN trong giai đoạn 2019-2020.
Từ 2021-2025, đơn vị này sẽ chuyển thành đơn vị 100% vốn Nhà nước, độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung với lợi ích của bên bán điện, bên mua điện. Từ năm 2018, khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập, vấn đề tái cơ cấu A0 đã được đặt ra. Tuy nhiên hiện nay A0 vẫn chưa được phê duyệt chủ trương tái cơ cấu và triển khai thực hiện.
Theo Tờ trình của Bộ Công Thương, đối với mô hình thị trường điện Việt Nam, vai trò của A0 gồm điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện với vai trò sở hữu lưới điện truyền tải là những chức năng có mối quan hệ mật thiết do đây là những dịch vụ co bản của hệ thống điện, có tính độc quyền tự nhiên. Do đó, việc kết hợp giữa ba dịch vụ nói trên sẽ quyết định mô hình tổ chức của A0.
Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển nguyên trạng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương. Trong đó đưa ra hai phương án: Phương án 1 là A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương; Phương án 2 là A0 trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, cả hai phương án trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.
Về bộ máy, nhân sự, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo hệ thống điện vận hành, an toàn, tin cậy, tại đơn vị này có những nhân sự chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Với áp lực công việc nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm nghìn thiết bị điện cao áp khác nhau. Trong quá trình làm việc phải ra các quyết định thật nhanh, chính xác, không được phép sai sót vì mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng. thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng nhân viên khác.
Theo Bộ Công Thương, A0 hiện có Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có trụ sở tại Hà Nội, các trung tâm điều độ khác được đặt ở A1 ở miền Bắc, A2 ở miền Nam và A3 ở miền Trung. Tổng nhân sự của A0 hiện là 454 người, trong đó 91% có trình độ đại học trở lên và lực lượng sản xuất trực tiếp (chiếm 62% tổng số lao động).
Người lao động của A0 được tuyển dụng dựa trên yêu cầu cao (có bằng đại học ở mức khá, giỏi trở lên), được đào tạo chuyên sâu 12-18 tháng và được kiểm tra kỹ lưỡng, khi đại yêu cầu mới được phép bố trí công việc. Bộ Công Thương khẳng định, các nhân sự đáp ứng yêu cầu được bố trí công việc với lương theo chức danh ở mức cao, có tính cạnh tranh, theo báo cáo bình quân lương bộ phận trực tiếp sản xuất khoảng 40 triệu đồng/người/tháng.
Về quy định hiện tại, Bộ Công Thương cho biết quy định về quyền hạn của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương không có chức năng thực hiện quản lý, điều hành trực tiếp A0, do đó cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp nhận, quản lý A0.
Chính vì những lý do nêu trên, theo Bộ Công Thương nếu trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương, phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân sự của A0 dẫn đến những rủi ro vận hành.
Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2022.NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Đồng thời giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; Chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành điện theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia sang Bộ Công Thương trên cơ sở điều chuyển nguyên trạng bộ máy nhân sự, tài sản, vốn từ EVN sang cho đơn vị mới thành lập.
Có thể thấy rằng, về cơ bản phương án điều chuyển A0 về Bộ Công Thương đã được tính toán đâu ra đấy. Nhưng theo các chuyên gia năng lượng, do đặc thù và trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn về hệ thống điện quốc gia nên A0 cần là một đơn vị hoàn toàn độc lập và chịu sự điều hành trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ. Hơn thế nữa, để tránh những ảnh hưởng không đáng có từ giai đoạn trước và để thị trường điện Việt Nam ngày càng minh bạch hơn thì việc A0 tồn tại độc lập càng cần được xem xét kỹ càng (kể cả việc xây dựng A0 thành một cơ quan ngang Bộ) chứ không phải chuyển về Bộ Công Thương như một bước chuyển tiếp tạm thời.
Thành Công
![]() |
![]() |
![]() |
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới
-
Giá dầu hôm nay (22/4): Dầu thô tăng trong phiên
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ