Doanh nghiệp “né” thanh toán điện tử vì chi phí cao
Thực tế trong những năm gần đây, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhiều hơn. Hiện thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng, triển khai rộng rãi… nhưng ở khu vực tư, dịch vụ này chưa thực sự phát triển như kỳ vọng.
Tại doanh nghiệp nhà nước, tiêu biểu như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sử dụng phương thức thanh toán này và đạt được kết quả tốt. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, doanh nghiệp này bắt đầu sử dụng TTKDTM từ năm 2017, hiện đã mở rộng hợp tác với trên 30 ngân hàng và trên 10 tổ chức trung gian thanh toán để thu tiền điện của khách hàng mà không phải đến tận nhà như trước kia.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt |
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với phương thức thanh toán này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy TTKDTM trong doanh nghiệp” diễn ra mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ở góc độ doanh nghiệp, việc TTKDTM ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Lý do được Chủ tịch VCCI giải thích có cả vấn đề nhận thức và ý thức, trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, về môi trường pháp lý, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến TTKDTM ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.
Chia sẻ về lý do khiến TTKDTM vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết liên quan đến chi phí. Thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí. Bên cạnh đó, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo.
Do đó, ông Sơn kiến nghị dùng QR Code chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau. Nên nghiên cứu hệ thống thanh toán tạm giữ để người mua và bán tin tưởng nhau hơn, tạo tin cậy cho mua sắm online, qua đó giúp hoạt động mua sắm điện tử phát triển hơn.
Không chỉ doanh nghiệp, mà người dân - một lực lượng hùng hậu để có thể phát triển nhanh phương thức TTKDTM cũng chưa thực sự quan tâm.Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 17 tỷ USD giá trị giao dịch mỗi ngày. Trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thực tế, những con số nói trên chỉ chiếm một phần quá nhỏ, vì tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở Việt Nam còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Điều đáng nói đó là không phải chỉ người dân, mà ngay cả chính những doanh nghiệp cũng không mặn mà với thanh toán điện tử vì chi phí cao.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cũng cho rằng các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số hiện còn nhiều vấn đề. Với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạ tầng phục vụ TTKDTM cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ.
Đặc biệt theo bà Bình, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn đang là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện TTKDTM. Doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế.
Còn đối với người dân, theo nhiều ý kiền, cần có các chính sách kích thích sử dụng ví điện tử như các chương trình chiết khấu, chương trình liên kết giữa ví điện tử và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử. Đồng thời xây dựng QR Code dùng chung cho tất cả các ví điện tử tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán của người dân.
Đ.M
-
Giá vàng trong thời gian tới sẽ ra sao?
-
Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh cùng loạt ưu đãi hấp dẫn từ Agribank
-
Mỹ bắt đầu Chương trình cho thuê thềm lục địa khai thác dầu khí
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/4: Trung Quốc quay lại mua dầu thô Nga
-
Tin tức kinh tế ngày 23/4: Tiền gửi ngân hàng suy giảm sau nhiều tháng tăng liên tục