Đẩy mạnh khoa học công nghệ - Bước tiến chiến lược của BSR
![]() |
BSR sẽ hướng đến việc phát triển xanh, nghiên cứu nhiều nguyên vật liệu mới |
“Chìa khóa” cho phát triển bền vững
Từng là một ngành công nghiệp trọng yếu của Việt Nam, dầu khí không chỉ đóng vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang ẩn chứa nhiều thách thức. Trữ lượng dầu khí ngày càng thu hẹp, áp lực càng tăng lên khi giá dầu khí biến động phức tạp, yêu cầu cấp bách chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Trước bối cảnh đó, dầu khí buộc phải tìm ra hướng đi mới để duy trì vị thế và phát triển bền vững. Trong hành trình đổi mới này, KHCN được xác định là đòn bẩy quan trọng nhất.
Kỷ nguyên của sự bùng nổ công nghệ đang tạo ra những thay đổi rõ rệt đối với lĩnh vực này. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến thông minh (IoT), mô hình mô phỏng số (Digital Twin)... không chỉ dừng lại ở việc cải tiến kỹ thuật mà còn mang đến những lợi ích vượt trội. Công nghệ mới giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh, chính xác hơn, từ đó nâng cao hiệu suất khai thác, giảm đáng kể chi phí vận hành và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp dầu khí cũng đang chủ động bắt nhịp. Các đơn vị tiêu biểu như Petrovietnam, PV Shipyard, PV Drilling, BSR... đã và đang tích cực nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất và quản trị. KHCN và ĐMST được xác định là nền tảng cốt lõi xuyên suốt toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến và phân phối. Các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng tiếp cận những thành tựu công nghệ tiên tiến trên thế giới, đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, đồng thời chú trọng vào việc làm chủ và cải tiến các công nghệ phù hợp với điều kiện đặc thù tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình nghiên cứu có định hướng chiến lược, dài hạn, được cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm. Quy trình nghiên cứu được thiết kế bài bản từ cơ bản đến thử nghiệm, mô phỏng và thực nghiệm thực địa, luôn gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ giúp gia tăng hiệu quả hoạt động mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí Việt Nam.
Với BSR, đơn vị xác định KHCN, ĐMST, CĐS là động lực quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc ứng dụng KHCN tiên tiến là yếu tố cốt lõi giúp chủ quản Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện CĐS, tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải và tiến tới mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường. BSR định hướng việc phát triển KHCN, ĐMST đồng bộ, có trọng tâm trong lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa chất, vật liệu và năng lượng mới, gắn liền với chiến lược phát triển xanh, dài hạn của công ty.
![]() |
BSR xác định con người chính là yếu tố quan trọng và sẽ tập trung phát triển, thu hút, giữ chân nhân tài |
Yếu tố cốt lõi
Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu KHCN tại BSR luôn được tập trung đẩy mạnh và là nền tảng cốt yếu đề phát triển bền vững. Mới nhất, BSR đã quán triệt, tập trung thực hiện và thông qua chương trình hành động, chiến lược phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tại đơn vị. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng của KHCN và khuyến khích ĐMST, đẩy mạnh CĐS. Đồng thời, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững với tốc độ tăng trưởng trung bình hai con số. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình phát triển BSR trở thành tổng công ty có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh mạnh trong khu vực và quốc tế.
Chiến lược phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tại BSR tập trung vào 3 nhóm chính gồm đổi mới hiệu quả, đổi mới bứt phá và đổi mới thông minh. Với đổi mới hiệu quả, BSR sẽ tập trung tối ưu hóa toàn diện các hoạt động; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Về đổi mới bứt phá, BSR tập trung vào yếu tố bền vững, hướng đến phát triển năng lượng sạch, tái chế, tuần hoàn nguyên liệu; đặc biệt là nghiên cứu và phát triển hóa chất, nhiên liệu và vật liệu mới. Đối với đổi mới thông minh, đây là “chìa khóa” trong CĐS với việc ứng dụng công nghệ số; tập trung ứng dụng hệ sinh thái và công cụ quản lý điều hành; CĐS trong quản lý nhân sự và hành chính; bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.
Để thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển này, BSR đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, BSR tập trung nâng cao nhận thức, đột phá trong việc xây dựng tư duy cởi mở, linh hoạt; xác định phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là nhiệm vụ chiến lược. Bên cạnh đó, BSR cũng tập trung hoàn thiện bộ máy ĐMST với việc thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả và thúc đẩy việc hình thành Trung tâm ĐMST, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị.
Đặc biệt, BSR tập trung vào yếu tố con người với chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, ĐMST và năng lực nghiên cứu. BSR cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ, CĐS; xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở, kết nối và hợp tác với các đơn vị ngoài; xây dựng chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp và thực hiện áp dụng các công cụ quản trị hiện đại để đo lường định kỳ.
Hơn 16 năm đi vào hoạt động, KHCN luôn là “kim chỉ nam” cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững của BSR. Nhiều năm qua, những kết quả của các công trình KHCN tại BSR luôn được ghi nhận với lợi ích khổng lồ về hiệu quả kinh tế và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đơn vị. Những thành tố quan trọng trên cũng được BSR xác định là định hướng chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh hàng đầu quốc tế, phát triển xanh, hiệu quả và bền vững.
Chiến lược phát triển KHCN, ĐMST và CĐS tại BSR tập trung vào 3 nhóm chính gồm đổi mới hiệu quả, đổi mới bứt phá và đổi mới thông minh. |
Thành Linh