Có một phố hớt tóc ở Nha Trang
Bởi họ chỉ nhón dành cuộc mưu sinh của mình đúng theo vệt kẻ cho phép, và vẫn để nửa phần lề cho những bước chân qua. Trong thời gian gần đây, con đường Đinh Tiên Hoàng này đã trở thành phố hớt tóc, như cái ngẫu nhiên về câu nói “Buôn có bạn bán có phường”.
![]() |
Nguyên những người thợ hớt tóc dạo, không có điều kiện mở tiệm, họ chọn cách mỗi ngày mang theo chiếc ghế, cái gương soi và đồ nghề ra góc đường nào đó, lựa chỗ có tán cây râm mát dọn ra, đợi khách đến hớt tóc. Họ tản nhiều nơi, để rồi khi khám phá ra vách tường bên hông trường không vướng khu dân cư, lại có nhiều cây bóng mát, lề đường rộng rãi. Cứ thế cho đến nay đã có 12 người thợ hớt tóc chọn nơi này làm chốn mưu sinh, điểm đặc biệt là có một thợ hớt tóc là nữ.
Buổi sáng Nha Trang đang duỗi mình với những tia nắng mới, tôi tìm đến con phố này. Mỗi người đều chở đồ của mình trên chiếc xe máy. Rất nhanh họ treo chiếc gương nhỏ lên trên tường đã có đinh đóng sẵn từ trước, dưới gương là kệ nhỏ đựng các vật dụng làm nghề: tông đơ, kéo, xà phòng, bình nước xịt, các dụng cụ ngoáy tai. Họ mang theo cả bình nước để uống khi làm việc, cả khăn choàng che nắng… Và sau đó ngồi đợi khách.
Tôi thoáng thấy một người đàn ông đã 60. Anh H. đã hớt tóc tận các vùng xa xôi ở Đà Lạt nhiều năm, sau đó anh đến Nha Trang và là một trong những người đầu tiên vào con phố hớt tóc này. Theo lời kể của một người thợ trẻ khác thì đa phần thợ ở đây đều học hớt tóc ở các tiệm nhỏ, có người cũng đã từng đi làm ở tiệm, nhưng sau đó yêu cách sống tự do nên ra vỉa hè để mở tiệm. Còn chị Trâm là người tới sau cùng ở con phố này, năm nay 41 tuổi. Chị bảo chị vừa mới dọn ra đây chừng vài tháng, còn ngày xưa chị hớt tóc cho các tiệm ở TP HCM với kinh nghiệm 21 năm. Hỏi chị tại sao không mở tiệm đàng hoàng? Chị cười, mở một cái tiệm để có khách không có khả năng thuê mặt bằng…Và chị bảo: "Thôi thì kiếm cơm qua ngày cùng anh em vậy".
![]() |
Ở đây giá đồng nhất gồm hớt tóc, cạp mặt, ngoáy tai là 40.000 đồng. Thỉnh thoảng có khách nhuộm tóc, nhuộm xong họ về nhà gội đầu vì ngoài đường không có bàn gội. Đèn rọi ngoáy tai là chiếc đèn pin nhỏ thiết kế cột quanh trán. Khách đa phần là các cụ lớn tuổi, các anh xích lô, xe thồ và thỉnh thoảng là học sinh. Nói chung là người nghèo hớt tóc cho người nghèo, khách mang đủ tiền tới hớt, không để dư, có khi cũng râm ran chuyện đời, chuyện gia đình...
Nắng loang từng vệt, khách ngồi trong nắng loang mà hớt tóc. Còn trời mưa thì sao? Một anh trả lời: "Ở nhà thôi, mưa chẳng ai hớt tóc…".
Hành trình mưu sinh của con phố hớt tóc trong lòng thành phố biển này cứ thế mà vơi đầy những buồn vui.
Khuê Việt Trường
- Háo hức "check-in" cánh đồng hoa hướng dương bên sông Sài Gòn
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai mạc Hội hoa Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Hành tinh xanh”
- "Đoàn tàu mùa xuân" sẽ chạy xuyên Tết Ất Tỵ
- Quảng Nam: Ngắm đôi linh vật rắn sắc sảo, ánh vàng rực rỡ vừa được "trình làng"
- "Thủ phủ" hoa cúc miền Trung rộn ràng những ngày giáp Tết