Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí CO: "Sát thủ vô hình" trong chính ngôi nhà của bạn
Khí CO là gì và nguy hiểm ra sao?
Carbon monoxide (CO) được tạo ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu như gas, than, củi, dầu… trong các thiết bị như bếp gas, lò sưởi, máy nước nóng, máy phát điện. Do đặc tính không màu, không mùi, người hít phải khí CO không hề nhận biết được cho đến khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi. Nếu nồng độ đủ cao, có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não hoặc tử vong chỉ trong vài phút.
![]() |
Các triệu chứng của ngộ độc khí CO. |
CO xâm nhập vào máu và gắn với hemoglobin, chiếm chỗ của oxy và ngăn máu vận chuyển oxy đến các cơ quan, đặc biệt là não và tim. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh tim, phổi mãn tính là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nguy cơ tiềm ẩn trong chính không gian sống
Tại nhiều khu dân cư, đặc biệt là các căn hộ nhỏ, nhà trọ, không ít người dân vẫn có thói quen sử dụng bếp gas mini, than tổ ong, máy nước nóng trực tiếp bằng gas... trong không gian kín, không có cửa sổ hoặc lỗ thông khí. Đây chính là điều kiện lý tưởng để khí CO âm thầm tích tụ mà không ai hay biết.
Việc lạm dụng các thiết bị sinh nhiệt trong phòng kín vào mùa lạnh hoặc sử dụng máy phát điện trong nhà khi mất điện là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ chết người. Không ít trường hợp người dân tử vong chỉ vì sưởi ấm bằng than trong đêm mà quên mở cửa thông gió.
![]() |
Trong sinh hoạt hàng ngày, khí CO được tạo ra khi các nguồn nhiên liệu như: xăng, dầu, ô tô, lò sưởi, bếp lò, bình nóng lạnh đốt gas, lò than, lò vôi, trong khói thuốc lá... (Ảnh minh họa) |
Dẫn chứng từ vụ việc tại Đài Loan
Vụ việc xảy ra ngày 3/5/2025 tại thành phố Đào Viên (Đài Loan) là minh chứng điển hình cho hiểm họa này. Bốn công dân Việt Nam gồm hai nam và hai nữ được phát hiện tử vong trong một căn hộ đóng kín cửa, không có dấu hiệu bị đột nhập.
Qua điều tra sơ bộ, cảnh sát nhận định các nạn nhân có thể đã tử vong do ngộ độc khí CO, bắt nguồn từ việc bình nước nóng lắp ngoài ban công không có hệ thống thoát khí nên không thể tản nhiệt. Đây không phải là trường hợp hiếm, nhiều tai nạn tương tự đã xảy ra ở Việt Nam và các quốc gia khác.
![]() |
Theo điều tra sơ bộ, 4 nạn nhân tử vong do ngạt khí gas. (Ảnh: ltn.com) |
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Trước tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần khuyến cáo người dân:
- Không dùng các thiết bị đốt nhiên liệu trong phòng kín, kể cả khi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.
- Kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị gas, bếp đun, máy nước nóng để đảm bảo không rò rỉ khí độc.
- Lắp đặt thiết bị báo động khí CO trong nhà, đặc biệt ở các phòng ngủ, bếp hoặc nơi đặt máy nước nóng.
- Không ngủ trong phòng kín có sử dụng than, bếp gas hoặc các thiết bị sinh nhiệt không thông gió.
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc CO như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, cần thoát ra khỏi khu vực ngay lập tức và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Người dân cần chủ động nâng cao nhận thức về khí CO để bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân. Đừng để những thói quen nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày trở thành mối nguy lớn chỉ vì sự chủ quan.
Hải Yến
-
Triển lãm chuyên đề “Hải Phòng 70 năm xây dựng và phát triển qua tài liệu lưu trữ"
-
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí CO: "Sát thủ vô hình" trong chính ngôi nhà của bạn
-
Quảng Ngãi: Sắp xếp nhà ở và hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho các cán bộ sau khi sáp nhập
-
Quảng Ngãi: Tuyến đường hơn 30 tỷ thành... nơi phơi lúa
-
Quảng Ngãi: Cá voi nặng hơn 1 tấn trôi dạt vào bờ