Cải tạo chung cư cũ: Cần hài hòa lợi ích 3 bên!
![]() |
![]() |
![]() |
Như đã thông tin, vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội là câu chuyện không mới nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Các ý kiến PV PetroTimes ghi nhận của người dân đều cho thấy họ hoàn toàn ủng hộ với chủ trương của thành phố. Vậy tại sao việc cải tạo lại chậm?
Trong quá trình tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân đang sống tại một số khu tập thể, nhà chung cư cũ, đồng thời tham vấn ý kiến của chuyên gia xây dựng, đô thị, PV PetroTimes nhận thấy, vấn đề nằm ở chỗ làm sao hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
![]() |
Hầu hết các chung cư cũ đều cơi nới, lắp thêm chuồng cọp để có đủ không gian sinh hoạt. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Trong ảnh là chung cư cũ Thành Công. |
Ông Nguyễn Quốc Thái - Tổ trưởng tổ dân phố số 7, khu tập thể Giảng Võ cho biết, tuổi đời của khu tập thể Giảng Võ đã hơn 40 năm, nhìn chung hạ tầng xuống cấp, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Người dân đều đồng ý với chủ trương của thành phố, muốn được sinh sống ở một nơi sạch sẽ. Tuy nhiên, có một số vấn đề người dân quan tâm lo ngại là, trong và sau cải tạo, người dân ở đâu, liệu những nhà đang kinh doanh kiôt tại tầng 1 có được kinh doanh nữa không. Bên cạnh đó, với phương án Nhà nước bỏ chi phí cải tạo nhưng người dân phải đóng góp thì rất khó vì nhiều nhà không có điều kiện. “Chúng tôi đồng ý với chủ trương của thành phố nhưng cũng mong muốn Nhà nước, nhà đầu tư bàn thảo kỹ với người dân” - ông Thái nói.
Cũng tại khu tập thể Giảng Võ, một người dân cho biết, trước đây đã có nhiều nhà đầu tư đề nghị được cải tạo, xây mới các dãy nhà tập thể cũ ở đây, mức đền bù họ đưa ra là tỷ lệ 1-2,5 (1m2 hiện tại sau cải tạo sẽ được nhà đầu tư bù 2,5m2) tuy nhiên, các đơn vị chỉ nói vậy chứ chưa có kế hoạch cụ thể, cứ vào rồi lại ra, bởi không thống nhất được với người dân.
![]() |
Khu nhà D6 Khu tập thể Giảng Võ. |
“Đất ở đây người dân ở đều có sổ đỏ. Giờ nếu muốn cải tạo thì phải được sự đồng ý của người dân. Ở đây có nhiều nhà đầu tư vào rồi nhưng sau đó phải về vì không thống nhất được phương án cuối cùng. Với nhà đầu tư, nếu họ cải tạo thì đương nhiên phải xây nhà cao tầng, để họ cũng có phần trong đó, còn lại là để dân tái định cư. Nhưng nếu xây chung cư cao tầng thì có đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu của thành phố không?”. Theo ghi nhận, đây cũng là băn khoăn của nhiều người dân ở nhiều khu tập thể khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất được cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ ở Hà Nội, tuy nhiên, đa phần các đề xuất đều “chết yểu” ngay khi vừa đề xuất với thành phố. Lý do là bởi người dân không đồng thuận với các phương án mà bên nhà đầu tư đưa ra, trong khi nhà đầu tư chắc chắn phải có một phần lợi ích nhất định tại các dự án cải tạo chung cư cũ.
Đơn cử như đề xuất cải tạo xây mới khu tập thể Thành Công của Tập đoàn Ecopark có điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công. Theo đó, 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Đồng thời, nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm KĐT, đồng thời lấp 4.267m2 mặt hồ để làm nhà tái định cư chất lượng cao. Tuy nhiên, phương án này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và chuyên gia. Bởi khi cải tạo xây mới, nhà tập thể, chung cư sẽ nâng số tầng lên nhiều so với chung cư cũ, dẫn đến mật độ dân cư tăng lên trong khi cơ sở hạ tầng, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ sẽ gây ách tắc giao thông.
![]() |
KTS Đào Ngọc Nghiêm (ảnh hanoimoi.com.vn) |
Còn theo một số chuyên gia về đô thị, trường hợp nhà đầu tư cho lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan, môi trường.
Trả lời báo chí về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng chỉ xây cao tầng các chủ đầu tư mới có lãi. Bên cạnh đó, việc cải tạo chung cư cũ gặp khó trong đàm phán với người dân, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù.
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - việc cải tạo chung cư cũ phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền. Khi quy hoạch, thực hiện dự án cải tạo phải công khai, đảm bảo người dân phải nhận được những phiếu thăm dò và khẳng định chắc chắn họ sẽ nhận được những gì, sau khi dự án cải tạo được hoàn thành để lấy sự đồng thuận của người dân.
Rõ ràng, vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có hướng gỡ nút thắt, và hơn hết, cả chính quyền, nhà đầu từ, người dân đều hiểu rõ. Vậy nên, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ cần sự đồng thuận và có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 bên nói trên.
Xuân Hinh
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới