BRICS kêu gọi ổn định thị trường năng lượng giữa sức ép trừng phạt
![]() |
Các lãnh đạo BRICS nhấn mạnh cần duy trì ổn định thị trường năng lượng quốc tế, đồng thời cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt và thuế quan do phương Tây áp đặt. Ảnh: AFP. |
Tại hội nghị thượng đỉnh mới đây tại Brazil, các lãnh đạo BRICS nhấn mạnh cần duy trì ổn định thị trường năng lượng quốc tế, đồng thời cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt và thuế quan do phương Tây áp đặt. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh một số nước thành viên như Nga và Iran đang chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt tài chính.
Giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang và thị trường năng lượng biến động mạnh, BRICS kêu gọi thúc đẩy dòng chảy năng lượng và tài chính được thông suốt, đồng thời đề nghị gỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động giao dịch dầu khí và tài chính để đảm bảo nguồn cung ổn định, đa dạng.
Phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương
Trong tuyên bố chung, BRICS lên án việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương, cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế, và gây thiệt hại cho thương mại năng lượng toàn cầu. Nhóm cũng phản đối mạnh mẽ cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), coi đây là hình thức bảo hộ mang tính phân biệt, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của họ. Quan điểm này xuất phát từ thực tế là, một số nước như Nga và Iran đang bị hạn chế khả năng xuất khẩu năng lượng do lệnh trừng phạt từ phương Tây. Với họ, quyền lưu thông tự do hàng hóa năng lượng - đặc biệt là dầu khí - là yếu tố sống còn với nền kinh tế.
Tăng cường kết nối tài chính nội khối
Để giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây vốn bị chi phối bởi đồng USD Mỹ, BRICS tái khẳng định cam kết thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại và năng lượng. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm bảo vệ kinh tế trong nước khỏi biến động tài chính quốc tế, và các rủi ro từ chính sách tiền tệ bên ngoài.
Các nước thành viên như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi cũng nhấn mạnh việc tăng cường kết nối tài chính nội khối, thông qua các hệ thống thanh toán và trao đổi tiền tệ riêng. Tại hội nghị, các Bộ trưởng năng lượng BRICS đã thông qua lộ trình hợp tác năng lượng giai đoạn 2025-2030, trong đó đề cao vai trò của đồng tiền quốc gia trong hệ thống giao thương mới.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối
Với việc UAE và Iran gia nhập, BRICS hiện nắm giữ một phần đáng kể sản lượng năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Trong khi đó, Ả Rập Xê-út cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm, dù chưa là thành viên chính thức. Cấu trúc hiện tại của BRICS tạo ra một nền tảng hiếm có, kết nối trực tiếp các nhà khai thác lớn như Iran, UAE, Nga với các nước tiêu thụ hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ. Mô hình này giúp tăng cường các kênh trao đổi chiến lược giữa nhà khai thác và người tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống trung gian do phương Tây kiểm soát.
Sự chuyển biến này đang thu hút sự chú ý của giới quan sát toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh năng lượng ngày càng quyết liệt và tình hình địa chính trị phức tạp hơn.
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
- Mỹ đối mặt “bài toán điện” giữa cơn sốt AI và tham vọng thống trị năng lượng
- “Vua dầu mỏ” và hành trình bắt nhịp làn sóng xe điện
- Vì sao Iran chưa thể có quan hệ “sống chết có nhau” với Nga và Trung Quốc?
- Ngành năng lượng toàn cầu đứng trước yêu cầu chuyển đổi cấp bách
- Mỹ có thể phải trả giá nếu xem nhẹ biến động thị trường dầu mỏ